(Baonghean) - Ban Nội chính được Thường trực Tỉnh ủy giao nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo các địa phương có rừng; các đơn vị, cơ quan có chức năng quản lý, bảo vệ rừng. Trong chuyên mục “Đối thoại cấp ủy” tuần này, Báo Nghệ An thực hiện cuộc phỏng vấn đối với đồng chí Nguyễn Văn Thông - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy xung quanh nội dung này.

P.V:Thưa đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng chí có thể đánh giá về công tác quản lý và bảo vệ rừng hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Văn Thông: Nghệ An có 1.160.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó tổng diện tích rừng 985.137 ha với trên 200.000 ha rừng trồng. Với diện tích và tiềm năng về rừng như vậy, công tác phát triển, quản lý và bảo vệ rừng trong thời gian qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng và quần chúng nhân dân trong tỉnh đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh.

Đến cuối năm 2015, độ che phủ rừng của tỉnh đạt gần 55%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường vai trò chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai lũ lụt và bảo vệ nguồn nước; góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân.

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ với cán bộ, nhân viên. Ảnh: Trần Hải Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ với cán bộ, nhân viên. Ảnh: Trần Hải

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ với cán bộ, nhân viên.  Ảnh: Trần Hải

Dù tình trạng cháy rừng, đốt phá rừng làm nương rẫy; khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra, tuy nhiên xét về tổng thể, công tác quản lý, bảo vệ rừng được giữ vững. Trên địa bàn tỉnh có Khu Dự trữ sinh quyển Pù Mát với diện tích 1.303.285 ha, Khu BTTN Pù Huống có diện tích 40.127,7 ha, Khu BTTN Pù Hoạt có diện tích 85.641,8 ha. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà có được những điều này.

P.V: Dù vậy, trong năm qua, đã có khá nhiều vụ việc liên quan đến rừng bị cơ quan pháp luật đưa ra ánh sáng, trong đó, có những đối tượng xâm hại rừng là những người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Quan điểm của Ban Nội chính trong vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Thông: Quản lý và bảo vệ rừng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, khó khăn phức tạp và không kém phần nguy hiểm. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng mà trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã xây dựng phương án, kế hoạch tăng cường tuyên truyền giáo dục, đấu tranh ngăn chặn nhằm làm giảm số vụ vi phạm và gây thiệt hại về nguồn tài nguyên rừng. Tại các “điểm nóng”, các đơn vị liên quan đã cử cán bộ có kinh nghiệm bám cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng; đồng thời, phối hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát.

Cảnh sát môi trường bắt quả tang vụ phá rừng tại Con Cuông

Mặc dù vậy, tình trạng chặt phá rừng, chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp; nạn khai thác gỗ trái phép tập trung chủ yếu tại các khu vực rừng tự nhiên, khu vực biên giới, vùng giáp ranh, các khu BTTN, rừng đặc dụng vẫn xảy ra. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn một số huyện miền núi như Thanh Chương, Con Cuông, Quế Phong… đã diễn ra tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng lấy gỗ. Điều đáng quan ngại là ở một số khu vực rừng bị phá hoại đều có lực lượng chức năng đóng chốt, canh giữ cả ngày lẫn đêm.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra tại các địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng, giao các ngành chức năng xử lý nghiêm khắc với đơn vị, địa phương và cán bộ có biểu hiện tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ, để rừng bị khai thác trái phép. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bất kể người thực hiện là ai. Việc gần đây đã khởi tố 3 vụ án với 12 bị can, trong đó có 1 cán bộ; xử lý kỷ luật 5 cán bộ đã minh chứng cho thái độ dứt khoát đối với cán bộ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh. 

p.v: Thưa đồng chí, để chỉ đạo cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, phải nắm bắt sát sao tình hình thực tế. Vậy Ban Nội chính có những phương cách gì để làm được điều này?

Đồng chí Nguyễn Văn Thông:Việc theo dõi, quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng được Ban Nội chính xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của mình. Thời gian qua, ban chú trọng đôn đốc các ngành, các địa phương báo cáo thường xuyên hàng tháng việc thực hiện nhiệm vụ của mình; ngoài ra, thông qua các kênh hội nghị giao ban Khối Nội chính; phản ánh của báo chí, của dư luận… cử cán bộ trực tiếp nắm tình hình ở những địa bàn trọng yếu.

P.V báo Điện tử Nghệ An ghi lại cảnh chặt phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống - Tương Dương.

Năm 2015, cán bộ của ban đã đi xác minh và tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các vụ phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và vụ phá rừng tại xã Quang Phong; các vụ việc cháy rừng ở các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương. Ngoài ra, tiếp cận nhiều vụ việc phát sinh nhanh, chính xác như vụ vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới tại bản Nóng 1, 2 thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong...

Đối với những vấn đề phát sinh đang thuộc thẩm quyền xử lý của ngành, địa phương, ban đã trao đổi ngay để các đơn vị, địa phương chủ động vào cuộc. Đối với những vụ việc phức tạp, ban báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để có sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đặc biệt là để các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với nhau cho hiệu quả.

P.V: Các địa bàn có rừng thường là vùng sâu, vùng xa. Ở đó, một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc có cuộc sống gắn liền với rừng nhưng nhận thức về công tác bảo vệ rừng còn hạn chế. Điều này đã làm công tác quản lý, bảo vệ rừng khó khăn hơn. Vậy Ban Nội chính có những giải pháp gì để giúp các địa phương có rừng; các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ ngày một tốt hơn?

Đồng chí Nguyễn Văn Thông: Ban Nội chính đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung một số giải pháp cụ thể.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ phá rừng tại Quế Phong.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, pháp luật của Nhà nước trong quản lý và bảo vệ rừng đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân nắm bắt và nâng cao nhận thức, ý thức đối với công tác phát triển, quản lý và bảo vệ rừng.

Thứ hai, quan tâm phát triển kinh tế rừng để cải thiện đời sống cho bà con, trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, mở các lớp đào tạo nghề về trồng rừng, nâng cao năng lực quản lý kinh tế hộ gia đình cho đồng bào, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) để tạo đầu ra cho các sản phẩm nông lâm...

Thứ ba, có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho bà con ở những địa phương có rừng nhất là ở những vùng sâu, vùng xa như hỗ trợ về cây giống, vốn vay, khoán bảo vệ rừng và trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy…; tạo cho người dân thói quen sử dụng các sản phẩm thay thế các sản phẩm truyền thống lâu nay vẫn lấy từ rừng, đồng thời tạo sự phát triển bền vững cả về mặt sinh thái môi trường cũng như về kinh tế, giúp người dân hưởng lợi từ rừng một cách lâu dài và khoa học.

Thứ tư, cần kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển KT-XH. Đây là nội dung rất quan trọng nhằm cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan liên quan; tập trung đẩy mạnh phát triển trồng rừng với công tác định canh, định cư, xây dựng các cơ sở chính trị vững chắc ở các vùng rừng núi, biên giới...; kết hợp chặt chẽ giữa quân và dân nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất, rừng, để phát triển đa dạng các ngành trong nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Thứ năm, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin, phát hiện và đấu tranh với các hành vi chặt phá rừng, khai thác, buôn bán vận chuyển trái phép lâm sản.

Phát triển, quản lý và bảo vệ rừng không chỉ có những lợi ích trước mắt mà là chiến lược phát triển KT-XH lâu dài. Vì vậy, đây không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Cuối cùng tôi xin được khẳng định, dù chúng ta có tăng cường kiểm tra, kiểm soát bao nhiêu vụ việc buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, có xử lý bao nhiêu người vi phạm nhưng cây rừng vẫn tiếp tục bị đốn hạ thì công cuộc bảo vệ rừng cũng không có ý nghĩa. Điều này có nghĩa phải bảo vệ rừng tại gốc.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

TIN LIÊN QUAN