(Baonghean) - Quế Phong là một trong những địa phương có độ che phủ rừng thuộc diện lớn nhất của tỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện vùng biên này còn nhiều vấn đề đặt ra. Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Lữ Đình Thi, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quế Phong về công tác bảo vệ rừng.
PV: Hiện nay, Quế Phong có tỷ lệ che phủ rừng vào thuộc diện cao nhất của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng. Quan điểm chỉ đạo xử lý của huyện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lữ Đình Thi: Trong giai đoạn 2010 -2015, Quế Phong đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng rừng và độ che phủ rừng. Bao gồm: Thực hiện, công tác giao đất, giao rừng đến từng hộ dân; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư theo Quyết định 147/TTg, Chương trình 30a, trồng rừng thay thế nương rẫy, quỹ dịch vụ môi trường rừng và đầu tư trồng rừng từ vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; hàng năm huyện giao cho các ban ngành đoàn thể, Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các địa phương ký cam kết với từng hộ gia đình không phát nương làm rẫy, không để xảy ra cháy rừng. Và cuối cùng là huyện đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu. Vì vậy, độ che phủ rừng của huyện nâng lên mức 73-74%; không xảy ra cháy rừng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện xảy khai việc khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Về quan điểm, huyện quyết tâm xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật những đối tượng phá rừng.
Đối với vụ việc lâm tặc chặt sa mu dầu thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, tòa án đã tổ chức xét xử lưu động các đối tượng phá rừng tại xã Thông Thụ - địa bàn mà những đối tượng khai thác chặt phá cây sa mu dầu với mức án nghiêm khắc. Đây cũng là giải pháp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và răn đe những người có ý định phá rừng. Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, huyện cũng đã có công văn, chỉ thị và công điện gửi chính quyền địa phương vùng giáp ranh hai khu bản tồn phối hợp với hạt kiểm lâm, chủ rừng để tăng cường công tác bảo vệ.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, Huyện ủy đang giao UBKT Huyện ủy làm việc để xem xét góc độ vi phạm cụ thể. Cái này phải quy trách nhiệm cụ thể của chủ rừng, của Hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương liên quan. Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ có phiên làm việc về vấn đề này. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng phải kiểm điểm trách nhiệm trước tập thể BCH Đảng bộ huyện và Ban Thường vụ Huyện ủy vì để xảy ra vụ việc phá rừng này.
Còn ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, sau khi xảy vụ việc, huyện đã tổ chức cuộc họp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, chính quyền các địa phương liên quan, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện. Hướng xử lý sắp tới là tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra và đẩy đuổi những nơi khai thác thuộc Khu Bảo tồn này. Lực lượng công an đã thành lập tổ công tác để điều tra, bắt giữ các đối tượng phá rừng nhằm xử lý nghiêm. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng, chúng tôi cũng sẽ làm rõ trong thời gian tới.
PV: Được biết, trên địa bàn Quế Phong có quy chế phối hợp giữ rừng được ký kết giữa các ngành liên quan. Tuy nhiên, những vụ việc phá rừng vẫn xảy ra? Vậy, phải chăng công tác phối hợp còn lỏng lẻo?
Đồng chí Lữ Đình Thi:Mặc dù có quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan như công an, quân sự, Hạt kiểm lâm huyện, chủ rừng… nhưng đánh giá lại thì tôi cho rằng sự vào cuộc chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm tra đôn đốc; thiếu giao ban, bàn bạc theo quy chế phối hợp.
Rút kinh nghiệm từ đây trở đi, huyện phải thắt chặt quy chế phối hợp, giao cho UBND huyện, đặc biệt là đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông, lâm, nghiệp chủ trì giao ban hàng tháng, hàng quý. Những sự việc phá rừng vừa qua là bài học răn đe cho các chủ rừng, cũng như chính quyền địa phương để có sự phối hợp thật tốt và phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt thì công tác bảo vệ rừng mới tốt hơn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo phương châm giữ rừng tại gốc.
PV: Diện tích rừng lớn trong khi công tác bảo vệ rừng có những thách thức không hề nhỏ. Vậy giải pháp tổng thể của huyện là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lữ Đình Thi: Trong giai đoạn sắp tới, mục tiêu của Quế Phong về lâm nghiệp là làm tốt công tác khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng, cải tạo rừng tạp, phòng chống cháy rừng. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc phát nương làm rẫy, ngăn chặn, xử lý kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân phát rừng sai quy định, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở địa bàn huyện đạt trên 73-74%.
Vì vậy, huyện sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng vào cuối quý IV năm 2015. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ pháp luật bảo vệ rừng; đồng thời cùng với một số cơ chế chính sách hiện có, huyện cũng có một số cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân sống ở vùng ven, vùng đệm của rừng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Về phía tỉnh, chúng tôi đề nghị cần tăng cường xây dựng các trạm kiểm soát và cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ cho lực lượng giữ rừng; có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng đệm của các khu bảo tồn.
Pv:Xin cảm ơn đồng chí!
Thực hiện: Nhật Lệ