-PV: Xin ông cho biết tình hình thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua?  
Ông Lê Anh Sơn:
Thời gian qua, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tiếp dân năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Cụ thể là đã tích cực tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng các cấp, các ngành, người đứng đầu các đơn vị, địa phương đã quan tâm, chú trọng đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đặc biệt, ngày 14/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND về ban hành Quy định về đánh giá, xếp loại, đối với công tác Thanh tra; tiếp dân; giải quyết Khiếu nại; Tố cáo; Kiến nghị, phản ánh, Tranh chấp đất đai và phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do vậy, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người đã được cả hệ thống chính trị quan tâm vào cuộc để giải quyết dứt điểm, góp phần vào sự ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 
bna_nguoi_dan_xa_luu_son_den_lam_thu_tuc_tai_bo_phan_mot_cua_cua_xa2599692_4122018.jpgNgười dân xã Lưu Sơn đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của xã
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất....Đáng lưu ý là tình hình công dân khiếu nại sai, tố cáo sai vẫn chiếm tỷ lệ cao, không chỉ gây mất ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; kìm hãm sự phát triển KT-XH mà còn làm lãng phí thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan nhà nước, cũng như của chính người khiếu nại, tố cáo.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo toàn tỉnh năm 2018. Đồ họa: Sỹ Hưng

Chỉ tính riêng trong năm 2018, về giải quyết khiếu nại: toàn tỉnh đã giải quyết được 213/223 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,5%. Trong đó số vụ việc khiếu nại đúng là 24/213 vụ việc, chiếm tỷ lệ 11,3%. Số vụ việc khiếu nại có đúng, có sai: 56/213 vụ việc, chiếm tỷ lệ 26,3%. Còn số vụ việc khiếu nại sai: 133/213 vụ việc, chiếm tỷ lệ 62,4%. Về giải quyết tố cáo, trong năm toàn tỉnh đã giải quyết được 132/137 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,4%. Trong đó, số vụ việc tố cáo đúng: 16/132 vụ việc, chiếm tỷ lệ 12,1%; Số vụ việc tố cáo có đúng, có sai: 35/132 vụ việc, chiếm tỷ lệ 26,5%. Số vụ việc tố cáo sai: 81/132 vụ việc, chiếm tỷ lệ 61,4%.
- P/V: Vậy, những nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến thực trạng khiếu nại tố cáo sai chiếm tỷ lệ cao như hiện nay, thưa ông?
- Ông Lê Anh Sơn:
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo sai, nhưng về khách quan, chủ yếu là do pháp luật đất đai còn có nhiều bất cập, như theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 quy định về bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư được hỗ trợ tối đa 35% giá đất ở liền kề trong khu dân cư, nhưng Luật Đất đai năm 2013 không có quy định này.
Vì vậy, khi nhà nước thu hồi đất của người dân ở hai giai đoạn khác nhau trên cùng một khu đất sẽ có hai mức bồi thường khác nhau, dẫn đến người dân khiếu nại dai dẳng. Bên cạnh đó, có những trường hợp khi thực hiện dự án đầu tư công thì bồi thường theo đơn giá nhà nước, còn đầu tư cho sản xuất kinh doanh thì trên cơ sở cũng theo đơn giá nhà nước, nhưng  nhà đầu tư có thể thỏa thuận riêng với người bị thu hồi đất, dẫn tới người dân có sự so sánh, thắc mắc.
Cán bộ thanh tra tỉnh phân loại đơn thư liên quan đến đất đai. Ảnh tư liệu
Thứ hai, mặc dù những hành vi tố cáo sai sự thật ảnh hưởng đến danh dự của tổ chức, cá nhân, gây lãng phí thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan nhà nước, cũng như của chính người khiếu nại, tố cáo và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, hành vi này thường được bỏ qua, hoặc xử lý chỉ dừng ở góc độ góp ý, rút kinh nghiệm nên không có tính răn đe. Bản thân các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng ngại xử lý, ngại va chạm, nể nang… do vậy người khiếu nại, tố cáo chưa nhận thức được đầy đủ hành vi vi phạm của mình.
Bên cạnh đó, hiện tại chưa có cơ chế rõ ràng, cụ thể hay nghị định riêng về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Luật khiếu nại không quy định người khiếu nại phải nộp lệ phí khi khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước, nếu khiếu nại sai người khiếu nại cũng không mất mát, ảnh hưởng gì. Luật Tố cáo cũng chưa có  chế tài xử lý rõ ràng đến người tố cáo sai. Đây là những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo
Công dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của UBND xã Lưu Sơn. Ảnh tư liệu
 Về chủ quan, nguyên nhân của khiếu nại tố cáo sai sự thật là do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế nên có những đòi hỏi, yêu sách ngoài quy định của pháp luật, dẫn đến vụ việc kéo dài. Thế nhưng, cũng có những người cố tình khiếu nại, tố cáo sai, khiếu nại tố cáo kéo dài xuất phát từ động cơ, ý đồ mang tính cá nhân, hoặc mang tư tưởng thắng- thua. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật khiếu nại, tố cáo đến mọi người dân vẫn còn hạn chế. Có lúc, có nơi, nhà nước tuyên truyền, phổ biến nhưng người dân vẫn không quan tâm; chỉ đến khi động chạm đến quyền lợi mới bắt đầu tìm hiểu nhưng do chưa nắm vững các quy định của pháp luật, dẫn đến hiểu sai và vận dụng sai trong thực tiễn thi hành.
- PV: Để hạn chế đơn thư tố cáo sai cần tập trung vào những giải pháp cụ thể nào,thưa đồng chí?
- Ông Lê Anh Sơn:
Thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khiếu nại đông người, phức tạp sẽ phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Vì vậy, cần phải tập trung thực hiện tốt việc đổi mới phương thức tuyên truyền PBGDPL nói chung, Luật Tiếp công dân, Khiếu nại, Tố cáo nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các ngành, các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật; giải thích, hướng dẫn theo quy định những trường hợp công dân cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài không có căn cứ nhằm hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp và giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo sai.
UBND huyện Đô Lương tổ chức tiếp công dân định kỳ hàng tháng. Ảnh tư liệu
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Tăng cường phối hợp giữa Ban Tiếp công dân tỉnh, Thanh tra tỉnh và các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp. Quan tâm chế độ đãi ngộ, bố trí đủ số lượng cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở.
Bên cạnh đó gắn công tác thanh tra trách nhiệm với thanh tra công vụ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phân loại và xử lý đơn thư của cán bộ tiếp dân khi thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nội dung nào đúng sự thật thì phải nghiêm túc giải quyết; đối với nội dung sai sự thật sau khi có kết luận chính thức thì phải chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật để tăng tính răn đe, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Đối với trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm thì đề nghị chuyển cơ quan chức năng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Mặt khác, từ thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại tố cáo, thấy rằng cần kiến nghị chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính để xử lý các hành vi tố cáo sai sự thật. Có như vậy, mới hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật, kéo dài, vượt cấp như trong thời gian qua./.

Xin cảm ơn ông!