Trong buổi làm việc tại hội trường chiều 17/6 được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Đặng Thuần Phong phát biểu ý kiến.
(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đã tập trung hoàn thiện dự thảo Luật thông qua việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp với gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý về các nội dung trong dự thảo.
Các ý kiến cũng thống nhất với nhiều quan điểm trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các nội dung như cơ chế thu hồi đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế giải quyết tranh chấp về đất đai và đảm bảo tính tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai
Tán thành, thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo về quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này,” các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là phù hợp với hướng phát triển của đất nước. Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai.
Khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai là “linh hồn” của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng quan điểm này cần thể hiện xuyên suốt ở các chương, điều và phải tách bạch rõ quyền, nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu cũng như quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quyền quản lý hành chính về đất đai. Theo đại biểu, hai nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu khác nhiệm vụ quản lý. “Nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu thì phải thông qua ý kiến của nhân dân hoặc đại diện của nhân dân. Ví dụ như quyền quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thông qua Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân,” đại biểu nói.
Trên cơ sở lập luận đó, đại biểu Hùng kiến nghị cấu trúc, thứ tự của Luật phải xoay quanh mối quan hệ giữa người sử dụng đất và Nhà nước trong việc khai thác, quản lý tài nguyên đất đai một cách hiệu quả nhất. Do đó, cần làm rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong tất cả các điều khoản của dự thảo.
Cùng quan điểm này, đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là hoàn toàn phù hợp chế độ Nhà nước Việt Nam hiện nay; bởi đất đai là công cụ cơ bản để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước và ổn định xã hội.
Xây dựng cơ chế để người bị thu hồi đất tham gia ý kiến vào quá trình thu hồi
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đặt vấn đề, thời gian qua, quy định về thủ tục thu hồi đất còn sơ sài, chung chung, chưa tách các trường hợp vi phạm pháp luật do quá thời hạn giao đất; chưa có quy định cụ thể về việc thông báo thời hạn thu hồi đất.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn thời điểm trước khi thu hồi đất và thời điểm ra quyết định thu hồi đất. Đại biểu cũng chỉ rõ dự thảo cần xây dựng cơ chế để người bị thu hồi đất tham gia ý kiến vào quá trình thu hồi; xây dựng phương án bồi thường, tái định cư để tránh những khiếu nại kéo dài, vượt cấp, gây lãng phí thời gian, tiền bạc doanh nghiệp và nhân dân.
Đề cập đến những khó khăn của người bị thu hồi đất như xáo trộn nơi ở, cuộc sống, thiệt thòi về tài sản, vật chất, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung Điều 73 của dự thảo theo hướng: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 74 của Luật này thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, nếu không có đất hoặc nhà ở để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất phù hợp với thực tế ở địa phương và hỗ trợ tổn thất, thu nhập.”
Băn khoăn về Điều 12 “Những hành vi bị nghiêm cấm” trong dự thảo Luật chưa đề cập nhiều đến việc chống lạm quyền của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quản lý đất đai, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định: Cấm cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai từ chối cung cấp thông tin, cung cấp sai thông tin, cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Quy định như vậy để thể hiện quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm hành vi lạm quyền trong quản lý đất đai, đại biểu Lợi nhấn mạnh.
Tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là vấn đề thu hút nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu trong buổi thảo luận chiều nay. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể quyền tham gia ý kiến của người dân trong công tác này để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý đất đai.
Đề cao cơ chế đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Bùi Sỹ Lợi viện dẫn, nhiều người dân phàn nàn về việc luôn bị động trước quy hoạch của Nhà nước, do hầu như không được tham gia vào quá trình này. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một mục hoặc một điều quy định rõ trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân trong lập quy hoạch sử dụng đất các cấp.
Đánh giá những năm qua, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn quá nhiều bất cập, là nguyên nhân gây lãng phí, khiếu kiện trong nhân dân, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật những loại đất đai nằm trong quy hoạch sử dụng đất thì bị hạn chế quyền sử dụng đất như thế nào, tránh quy định kiểu chung chung, dễ gây hiểu lầm khi áp dụng.
Góp ý về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 37), đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) và một số đại biểu khác đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét việc kéo dài kỳ quy hoạch, kỳ kế hoạch từ 20 năm lên 50 năm để phù hợp với các dự án bất động sản có thời hạn sử dụng đất thông thường.
Đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất
Nhấn mạnh đến chính sách bồi thường tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng tài sản gắn liền với đất là loại tài sản thuộc quyền sở hữu của người dân. Đại biểu đề nghị để đảm bảo lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất, dự thảo Luật cần bổ sung quy định việc bồi thường tài sản này theo chính sách, pháp luật trưng mua, trưng dụng tài sản.
Nêu quan điểm về việc bồi thường, thu hồi, hỗ trợ, nhất là vấn đề bồi thường và tái định cư, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đánh giá, quy định của dự thảo còn nhiều bất cập. Theo đại biểu Trường, trên thực tế, trong quá trình thực hiện bồi thường, phê duyệt dự án khu tái định cư, hoàn thiện khu tái định cư, việc đưa người dân đến khu tái định cư sinh sống rất khó thực hiện. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại biểu là do sự thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt của những mô hình khu tái định cư.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xác định cụ thể mức bồi thường trong trường hợp dự án liên quan đến nhiều địa phương, tránh tình trạng người được bồi thường trước sẽ tiếp tục đòi bồi thường bằng với người được bồi thường ở thời điểm sau.
Tổng hợp 45 ý kiến phát biểu sau một ngày thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng phát biểu nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Luật; phân tích sâu sắc những nội dung tán thành và không tán thành; đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai và giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; công việc giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau và sẽ gửi phiếu xin kiến các đại biểu để làm cơ sở cho việc chỉnh lý, soạn thảo Luật, báo cáo lại Quốc hội xem xét quyết định./.