Gia tăng về mức độ phạm tội
Trên thực tế, nhiều vụ chống người thi hành công vụ với tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm đang diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi công vụ của lực lượng chức năng. Lực lượng phải đối mặt nhiều nhất với hành vi trên phải kể đến là CSGT.
Đơn cử, khoảng 22 giờ ngày 24/1/2019, Tổ công tác Công an huyện Tân Kỳ phát hiện Thái Bá Nam (SN 1998), trú xã Nghĩa Thái, Tân Kỳ, điều khiển xe máy BKS 37N1- 247.47 trên đường Hồ Chí Minh nhưng không đội mũ bảo hiểm nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, khi xuống xe, Nam buông lời thách thức lực lượng CSGT. Cùng lúc đó, Hồ Sỹ Văn (SN 1998), trú xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, điều khiển xe máy khác đi vào đường ngược chiều và không đội mũ bảo hiểm nên cũng bị tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra giấy tờ.
Hồ Sỹ Văn không chấp hành, rồi chạy vào một nhà hàng gần đó lấy 2 chiếc môi bằng kim loại ra đe dọa, thách thức và đòi đánh lực lượng công an. Nhiều người có mặt chứng kiến và tước 2 chiếc môi trên tay nhưng Văn tiếp tục có lời lẽ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.
Cùng lúc đối tượng Nam nhảy vào xô ngã dùng tay đấm vào mặt, miệng và cắn vào chân phải 1 CSGT. Thấy Nam bị khống chế, Văn nhặt viên gạch giữa đường xông vào đánh lực lượng công an để giải thoát cho Nam nhưng cũng bị khống chế sau đó.
Tiếp đó vào ngày 9/2/2019, Nguyễn Quang Tuy (SN 1970), trú tại thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, điều khiển xe ôtô nhãn hiệu KIA, BKS 47A-130.89 chạy hướng từ Nam ra Bắc. Khoảng 15 giờ cùng ngày, khi xe ô tô của Tuy đến Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 thuộc xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, đối tượng này cố tình không mua vé với lý do “tôi hết tiền và đề nghị ghi nợ” “tôi quẹt thẻ ATM để trừ phí”...
Một lúc sau, Tuy điều khiển xe lách qua barie, đâm vào cọc tiêu phân làn giao thông, tiếp tục đi theo Quốc lộ 1A tránh Vinh.
Khi vào trụ sở Công an huyện Hưng Nguyên, Tuy yêu cầu niêm phong xe ô tô. Khi lực lượng công an đang tiến hành làm thủ tục, Tuy mượn chìa khóa để lấy tài sản trong xe ra, sau đó tự ý khóa cửa xe lại.
Cơ quan Công an nhiều lần yêu cầu Tuy xuống xe để tiếp tục làm việc nhưng Tuy không chấp hành và ngồi trên xe sử dụng điện thoại quay video, phát trực tiếp trên Facebook; nổ máy, điều khiển xe ô tô rú ga chạy quanh sân trụ sở, đâm thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ.
Đến 0 giờ ngày 10/2, thấy hành vi của Tuy mang tính chống đối kéo dài và nguy hiểm, lực lượng công an đã tiến hành phá cửa kính xe, bắt giữ Tuy về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Không chỉ lực lượng CSGT mà các lực lượng khác như cảnh sát điều tra, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an các địa phương... cũng phải đối mặt với các hành vi chống người thi hành công vụ. Như vào hồi 12h ngày 19/1/2019, tại khu vực khối 2, phường Vinh Tân (TP. Vinh), Phòng Cảnh sát môi trường bắt quả tang 4 đối tượng đang có hành vi mua, bán động vật hoang dã trái phép.
Thời điểm bị bắt giữ, đối tượng Hoàng Văn Sơn (SN 1979), trú xóm 9, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, người điều khiển xe ô tô bán tải biển số 37C - 258.60 chở 13 cá thể khỉ, 2 cá thể voọc đã chống trả quyết liệt, lái xe đâm thẳng vào xe ô tô của lực lượng chức năng nhằm chạy thoát. Khi bị lực lượng công an vây bắt, các đối tượng ngồi trong xe ô tô khóa chặt cửa, buộc lực lượng công an phải phá kính để khống chế, bắt giữ.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn xảy ra 11 vụ chống người thi hành công vụ liên quan đến 14 đối tượng, trong đó có 9 vụ chống lại lực lượng công an.
Có thể thấy, hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng có chiều hướng gia tăng về mức độ phạm tội. Không chỉ những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ mà mức độ hành vi ngày càng nguy hiểm, liều lĩnh hơn như sử dụng hung khí, lao ô tô, xe máy vào lực lượng chức năng.
Phản ánh tình trạng này, tại cuộc làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh về công tác xử lý TNGT và vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn, Thượng tá Hoàng Duy Hà - Phó trưởng Công an TP. Vinh, cho biết: Trong 2 năm 2017, 2018, thành phố đã khởi tố 12 vụ, 17 đối tượng chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, tình trạng chống người thi hành công vụ trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố Vinh vẫn xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng phòng CSGT tỉnh, cho rằng nguyên nhân xảy ra việc chống người thi hành công vụ là do ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa kể một bộ phận thanh niên có tính côn đồ hoặc do đã sử dụng rượu, bia trước đó nên không kiểm soát được hành vi.
Ngoài ra, chế tài xử lý hành vi này chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng mức độ các hành vi chống người thi hành công vụ.
Điều dễ nhận thấy, với khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ, so với thực trạng của hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay là không tương xứng. Bởi đơn cử như việc lao xe vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Chính vì vậy, đối với trường hợp này phải được xử lý nghiêm và cần tiến hành xét xử lưu động công khai để làm gương cho các đối tượng khác.
Bởi vậy, thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm chống người thi hành công vụ.
Đặc biệt, trong năm 2018, Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐUCA về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, với các giải pháp trọng tâm như:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho nhân dân về chính sách pháp luật và chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ; quyền, nghĩa vụ của công dân và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an khi thi hành công vụ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật, giám sát, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng ứng xử, phương pháp vận động, thuyết phục, đối thoại với nhân dân cho cán bộ, chiến sỹ công an các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm chống người thi hành công vụ...
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: Hiện nay, số vụ án về tội chống người thi hành công vụ được xét xử nhiều nhưng tính tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa và răn đe không cao, một phần vì hình phạt chưa thực sự nghiêm khắc.
Do vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ so với quy định hiện nay để trấn áp các đối tượng phạm tội, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330, Bộ Luật Hình sự 2015: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.