Nhiều cách chống đối
Trong số những trường hợp chống đối lực lượng chức năng làm công tác phòng, chống dịch thì clip ghi lại hình ảnh đôi co giữa người đàn ông với lực lượng chức năng tại địa bàn xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu gây sự chú ý hơn cả, bởi lý sự cùn của người đàn ông này.
Cụ thể, huyện Diễn Châu là 1 trong 14 địa phương của tỉnh Nghệ An đang thực hiện Chỉ thị 16, tuy nhiên chiều 24/8, tổ công tác Công an xã Diễn Phong tuần tra và phát hiện anh D.V.S (SN 1983) trú tại xóm Đông Hồ, xã Diễn Phong ra đường không có lý do thiết yếu.
Clip ghi lại hình ảnh đôi co giữa anh D.V.S với lực lượng chức năng tại địa bàn xã Diễn Phong. |
Khi kiểm tra, D.V.S không xuất trình được giấy tờ chứng minh việc thiết yếu ra đường. Khi tổ công tác lập biên bản, S. không ký biên bản và cho rằng xã Diễn Phong không có Chỉ thị 16. Toàn bộ huyện Diễn Châu thực hiện Chỉ thị 16 thì người dân được tự do đi trong huyện miễn không ra khỏi địa bàn.
Sau khi về trụ sở UBND xã làm việc, D.V.S tiếp tục cự cãi, cố tình không nghe giải thích, yêu cầu tổ công tác cho xem quyết định giãn cách xã hội của xã Diễn Phong có dấu đỏ, không chấp nhận bản sao… Đồng thời, không ký vào biên bản với lý do Công an xã chỉ có quyền khuyên nhân dân ở nhà không được cấm ra đường.
Cũng trên địa bàn huyện Diễn Châu, vào tối 23/8, mặc dù tiếp xúc với với ca F0 dương tính đã được công bố trước đó nhưng chị H.T.H trú tại thôn 2, xã Diễn Kỷ vẫn không chấp hành biện pháp cách ly tập trung theo quy định.
Dù đã được lực lượng Công an kiên trì vận động, thuyết phục và giải thích hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng chị H.T.H không những không chấp hành mà còn khóa cửa và có các hành động khiếm nhã như lột quần áo, chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Trước thực tế trên buộc Công an xã Diễn Kỷ phải phối hợp với các thành viên trong BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 xã tiến hành cưỡng chế đưa chị H đi cách ly tập trung theo quy định.
Cũng trong ngày 23/8, một người phụ nữ trú trên địa bàn TP Vinh ra đường không đeo khẩu trang, khi bị lực lượng làm công tác kiểm soát phòng chống dịch kiểm tra đã không hợp tác, chửi bới lực lượng.
Kết hợp tuyên truyền, xử lý nghiêm
Đây chỉ là 3 trường hợp điển hình cho hành vi không hợp tác, cố tình chống đối lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn thời gian gần đây. Tìm hiểu được biết, tất cả các trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm, người vi phạm cuối cùng đã nhận rõ sai phạm, hành vi không đúng mực của mình.
Đơn cử, anh D.V.S trú tại xóm Đông Hồ, xã Diễn Phong khi được giải thích, tuyên truyền, nhắc nhở đã nhận ra hành vi không đúng mực của mình. Trong bản tường trình, anh S viết “Tôi mong các cơ quan chức năng, dư luận nhân dân thông cảm cho lỗi sai của tôi, xem xét cho tôi được sửa chữa hành vi sai của mình”.
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Đội trưởng Đội tổng hợp Công an huyện Diễn Châu: Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan không chỉ là nghĩa vụ mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân. Bởi vậy, những hành vi vi phạm, cũng như cố tình chống đối đều được các tổ công tác của công an huyện, cũng như công an các xã, thị trấn xử lý nghiêm. Trong tuần đầu thực hiện Chỉ thị 16, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã xử phạt hơn 165 trường hợp, với tổng số tiền 417.500.000 đồng.
Một cán bộ trực tại chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn TP. Vinh cũng cho hay, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân luôn được chú trọng, nhưng với những trường hợp cố tình vi phạm, cố tình chống đối sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Bởi thực tế trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, ai ở đâu ở đấy là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân. Đó không chỉ là văn hóa ứng xử mà còn là ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng người thực thi pháp luật.
Liên quan vấn đề này, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh vào chiều 22/8, để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt tại địa bàn TP. Vinh. Sau khi thống nhất nâng cao biện pháp cách ly xã hội đối với địa bàn TP. Vinh trên một mức so với Chỉ thị 16, với tinh thần yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó”. Thời gian thực hiện tính từ 0h ngày 23/8.
“Những biện pháp chúng ta làm có thể gây khó khăn cho người dân nhưng mục tiêu tối cao nhất là vì đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân nên tin tưởng, người dân sẽ ủng hộ chúng ta. Còn những đối tượng cố tình chống đối, thông tin sai trái, kích động… thì phải xử lý nghiêm”
Có thể thấy, hiện nay các ca mắc mới trong cộng đồng vẫn liên tiếp được phát hiện. Chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc siết chặt việc đi lại của người dân khi không có lý do chính đáng.
Tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19, không chỉ riêng địa bàn TP. Vinh, mà toàn tỉnh, cũng như các địa phương khác trong cả nước, hàng ngày lực lượng chức năng vẫn phải căng mình thực hiện nhiệm vụ 24/24h, hi sinh quyền lợi cá nhân, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao để kiểm soát người và phương tiện đi lại. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, mục đích là mang lại cuộc sống an toàn, bình yên cho mỗi người dân và cả cộng đồng.
Hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nhận thức rõ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của cả xã hội; hiệu quả phòng, chống dịch không chỉ phụ thuộc vào chính quyền, lực lượng chức năng, mà phụ thuộc vào chính nhận thức, trách nhiệm của mỗi người. Theo đó, hành vi chống đối lực lượng phòng, chống dịch vừa thể hiện sự vô trách nhiệm với cộng đồng, vừa là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm để bảo đảm tính răn đe và ngăn ngừa các trường hợp tương tự.
Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Trong trường hợp bị xử lý hình sự, Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội chống người thi hành công vụ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù, mức thấp nhất là 06 tháng, cao nhất đến 07 năm.