(Baonghean) - Tình trạng khai thác không đúng thiết kế, còn tồn tại đá treo, không đảm bảo an toàn lao động… đang diễn ra tràn lan tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh. Khi có yêu cầu khắc phục của cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp không thực hiện, các địa phương chưa đôn đốc, giám sát chặt chẽ…
Nguy cơ mất an toàn
Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 5/7/2015 trong lúc đang tiến hành khoan lỗ tra mìn phá đá tại mỏ đá Lèn Cò (xã Đồng Thành, Yên Thành) thì hòn đá nơi cố định sợi dây bảo hiểm tuột xuống, kéo theo ông Phan Doãn Bích rơi xuống đất và tử vong. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc mất an toàn lao động tại mỏ khai thác đá Lèn Cò của Công ty TNHH Đông Thành. Cách đây chưa đầy 3 tháng, tại mỏ đá này cũng đã xảy ra một vụ tai nạn lao động khác, khiến ông Phạm Văn Sơn (SN 1966), trú tại xóm Nam Viên, xã Đồng Thành, là thợ khoan mìn kỹ thuật bị tử vong.
Mỏ đá Lèn Cò hiện có 3 doanh nghiệp khai thác đá, gồm Công ty CP Công nghiệp 369, Công ty TNHH Thành Nam và Công ty TNHH Đông Thành. Việc khai thác mỏ đá của 3 doanh nghiệp trên không đảm bảo an toàn lao động, khai thác không tuân thủ quy trình khai thác. Cụ thể như Công ty CP Công nghiệp 369 khai thác moong phía Tây không đảm bảo an toàn vì khai thác không đúng thiết kế, mặt khác, khu vực chế biến đặt quá gần khu vực khai thác. Moong phía Đông Nam còn tồn tại một số đá treo có thể gây nguy hiểm. Còn đối với công ty TNHH Đồng Thành thì khai thác không đúng với phương án thiết kế đã được phê duyệt, còn tồn tại đá treo. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra và đề nghị các công ty này khắc phục những tồn tại nêu trên nhưng các công ty này chậm khắc phục. Như tại Công ty TNHH Đồng Thành có thực hiện cải tạo bờ mỏ, xử lý nguy cơ trượt lở nhưng chưa triệt để. Công ty vẫn đang tổ chức khai thác không phù hợp với thiết kế đã phê duyệt. Trong khi công ty chưa thực hiện thì tiếp tục xảy ra tai nạn gây chết người.
Tháng 2/2015, đoàn liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác mỏ đá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện có 21 doanh nghiệp vi phạm về quy trình khai thác. Hầu hết địa phương nào cũng có doanh nghiệp vi phạm như Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Qùy Châu, Quỳnh Lưu… Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp chủ yếu vi phạm các lỗi liên quan đến quy trình khai thác như: Hoạt động khai thác không đúng theo thiết kế đã phê duyệt, không xây dựng cơ bản mỏ theo đúng quy định, góc nghiêng bờ moong khai thác chưa đảm bảo, không phân tầng khai thác, còn tồn tại đá treo có nguy cơ trượt lở cao. Có doanh nghiệp còn khai thác ngoài diện tích được cấp phép và nhiều sai phạm khác có thể dẫn đến mất an toàn lao động. Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Dựa trên những sai phạm của các doanh nghiệp, đoàn kiểm tra đã yêu cầu doanh nghiệp ngừng khai thác, đưa thiết bị ra khỏi vị trí khai thác không đúng với hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi “Khai thác mỏ khoáng sản không đảm bảo an toàn lao động, khai thác không tuân thủ quy trình khai thác” theo Nghị định 121 của Chính phủ.
Phớt lờ kết luận của các cơ quan chức năng
Mặc dù đã có đề nghị khắc phục nhưng khi kiểm tra lại thì nhiều doanh nghiệp chưa tiến hành khắc phục hoặc khắc phục cho có, hình thức. Tại lèn Khùa, xã Giang Sơn Tây (Đô Lương), mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương đã hoạt động nhiều năm, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện được các hồ sơ, thủ tục đầy đủ theo quy định. Trước năm 2011, công ty này khai thác đá trái phép và đã bị UBND huyện Đô Lương tiến hành xử phạt 2 lần. Đến tháng 12/2011, công ty này được UBND tỉnh cho phép khai thác mỏ tại lèn Khua, xã Giang Sơn Tây. Nhưng về các hồ sơ, thủ tục để các cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mỏ, tiền ký quỹ phục hồi môi trường và các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước thì doanh nghiệp này chưa thực hiện đầy đủ. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên khai thác, bất chấp quy định. Trước sự việc trên, UBND huyện Đô Lương đã đề nghị công ty ngừng hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản kể từ ngày 2/4/2015 đến khi hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục và khắc phục xong các tồn tại. Tuy nhiên, vào ngày 7/7, khi phóng viên đến thì vẫn thấy doanh nghiệp này khai thác bình thường. Về việc công ty đã hoàn thiện xong các hồ sơ và khắc phục các tồn tại xong hay chưa thì ông Phan Quang Minh, Phó phòng TN&MT huyện Đô Lương trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An rằng “không nắm được”.
Không chỉ riêng Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương mà nhiều công ty không thực hiện nghiêm kết luận của cơ quan chức năng. Như đối với Công ty CP XD Văn Sơn, khai thác mỏ đá lèn Trụ Hải tại xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Mặc dù theo kết luận của Sở Xây dựng, công ty này có nhiều sai phạm như khai thác góc nghiêng sườn tầng chưa hoàn toàn phù hợp, moong khai thác ở giữa có hiện tượng sạt lở đất phủ, có khả năng mất an toàn. Mặc dù công ty đang trong thời gian khắc phục nhưng các hoạt động khai thác vẫn diễn ra bình thường và nguy cơ trượt lở mất an toàn vẫn đang ở mức cao. Hay như Công ty TNHH Việt Sơn, khai thác mỏ đá lèn Dài (xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn). Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện công ty này khai thác không đúng thiết kế, các moong khai thác ở phía Đông và phía Bắc có biểu hiện không an toàn. Cơ quan chức năng đã đề nghị công ty khắc phục nhưng khi kiểm tra thì chủ đầu tư không có mặt theo giấy mời làm việc của đoàn, công ty chưa thực hiện công tác khắc phục tồn tại theo kiến nghị của đoàn. Ngay sau khi có báo cáo của đoàn, UBND tỉnh đã đề nghị Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần làm rõ tính chấp hành pháp luật của công ty này và xử lý, yêu cầu công ty nghiêm túc thực hiện kiến nghị của đoàn và các quy định của pháp luật trong khai thác mỏ.
Siết chặt quản lý
Có thể nói, để xảy ra những tồn tại trên thì ngoài yếu tố coi thường, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của các doanh nghiệp còn do công tác kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương chưa được tiến hành thường xuyên. Mặc dù tình trạng các doanh nghiêp khai thác đá vi phạm các quy định khai thác mỏ nhưng chính quyền địa phương chưa phát hiện kịp thời và có biện pháp đôn đốc khắc phục. Khi có yêu cầu của cơ quan chức năng thì nhiều địa phương không có văn bản chỉ đạo, không thành lập ban chỉ đạo, không kiểm tra, đôn đốc và không báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng. Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Cấp huyện thiếu chỉ đạo, thiếu kiên quyết, còn cấp xã do năng lực chuyên môn hạn chế nên kết quả công tác đôn đốc, giám sát và báo cáo chưa đạt yêu cầu. Phần lớn các huyện chưa kiểm tra, xử phạt theo thẩm quyền và chưa có báo cáo đến các sở, và UBND tỉnh đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật. Một số nơi có tổ chức kiểm tra nhưng giải pháp xử lý vi phạm hành chính còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thiếu kiên quyết, đồng bộ.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Sở Xây dựng, TN&MT và các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc khắc phục tồn tại các các doanh nghiệp khai thác mỏ. Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị xử phạt đối với 7 doanh nghiệp có vi phạm hành chính với hành vi “khai thác mỏ khoáng sản không đảm bảo an toàn lao động, khai thác không tuân thủ quy trình khai thác”. Các doanh nghiệp khác phải ngừng việc khai thác và tiến hành khắc phục các tồn tại mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Đối với các UBND huyện, thị xã cần tăng cường giám sát các doanh nghiệp khắc phục, nếu doanh nghiệp nào không khắc phục thì báo cáo UBND tỉnh thu hồi giấy phép khoáng sản theo quy định Luật Khoáng sản năm 2010.
Nguyên Hưng