(Baonghean) - Trải qua không ít khó khăn, vất vả với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và các sở, ngành có liên quan, toàn bộ diện tích mặt bằng phục vụ dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Nghệ An đã được bàn giao. Thế nhưng, việc thi công lại tiếp tục gặp trở ngại do sự ngăn cản của một số hộ dân. Lý do ngăn cản được đưa ra là thi công không bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, gây ách tắc đường đi, lối lại và chưa có cam kết rõ ràng nếu việc thi công ảnh hưởng đến độ bền cũng như sự an toàn của nhà dân sát ngay nơi thi công.

Nhìn qua thì thấy các lý do được đưa ra nhằm biện luận cho hành vi cản trở thi công của các hộ dân có vẻ phù hợp thực tế. Vì đúng là có một số nơi, đơn vị thi công chưa thực hiện đúng việc giữ vệ sinh môi trường khi thi công ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân như là không tưới nước hay tưới nước không kịp thời, không đủ độ nên để bụi bặm bay vào nhà dân. Một số nhà thầu năng lực yếu nên thi công chậm khiến mặt bằng trở nên nham nhở, xuất hiện nhiều hố sâu ngăn cách được tạo ra trước nhà dân gây cản trở việc đi lại… Nhưng nếu phân tích kỹ thì thấy, người dân càng cản trở thì việc thi công càng bị chậm lại và môi trường càng bị ảnh hưởng kéo dài. Không một ai dại gì để bụi bặm, hố sâu tồn tại mãi trước nhà mình.

Theo đúng lẽ thường tình thì người ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để việc thi công suôn sẻ và mọi thứ nhanh chóng trở lại bình thường chứ không ai cố tình gây khó dễ để dây dưa ra mãi. Với lại, chuyện bụi bẩn khi thi công cũng là chuyện hết sức bình thường giống như khi ta sửa chữa hay xây mới một ngôi nhà, làm sao tránh khỏi việc vôi vữa, bụi bẩn ảnh hưởng đến các nhà chung quanh. Thế nhưng, không ít người lại coi chuyện hết sức bình thường đó trở thành một chuyện không bình thường, lấy đó làm điều kiện để yêu sách và cản trở thi công. Hơn nữa, chuyện thi công nếu làm lún, nứt nhà bên chủ đầu tư đã cam kết sẽ sửa chữa.

Còn với những vết nứt hiện thời cần phải có đơn vị giám định độc lập để xác định nguyên nhân do đâu để có căn cứ bồi thường, sửa chữa hay không thì các hộ dân vẫn không chịu nghe ra.  Như vậy, có thể nói người ta đã cố tình lợi dụng việc đó để nhằm phục vụ cho một mưu đồ khác. Vậy đó là mưu đồ gì? Đó có thể là nhằm để đòi hỏi những quyền lợi không hợp pháp và không chính đáng trên phần đất vốn dĩ không phải của họ như là đền bù phần đất đã từng được đền bù, giải tỏa trước đây. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc các hộ dân đã gây rối, cản trở làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cách đây chưa lâu. 

Việc đó đã từng được giải quyết trong quá trình thực hiện việc giải phóng mặt bằng, nay lại được khơi lại. Khơi lại vì cố tình không hiểu nhưng cũng có thể là do người khác giật dây, xúi giục theo kiểu “được thì được cả mà mất thì chẳng mất gì” nên người ta cố tình làm vậy. Nói vậy không phải là không có sở cứ vì có người chẳng có nhà cửa, đất đai gì ở nơi thi công dự án những vẫn lớn tiếng đòi hỏi và kích động người khác đòi hỏi theo bằng cách cản trở việc thi công. Nhưng nguy hiểm hơn, đó có thể là một âm mưu thâm độc mượn cớ đó để tạo hố sâu ngăn cách, khoét sâu mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, gây mất ổn định và làm yếu đi mối đoàn kết giữa người dân chính quyền và giữa lương dân với giáo dân.

Vì đó là những vướng mắc đời thường trong cuộc sống của chúng sinh hoàn toàn chẳng liên quan gì đến tôn giáo. Thế mà vẫn có chức sắc thò bàn tay của mình vào dưới danh nghĩa chăm lo cho cuộc sống, bảo đảm quyền lợi cho con chiên, coi đó là trách nhiệm của các “đấng chăn chiên”. Nếu họ thực sự coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của mình thì lẽ ra họ phải phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền để giải quyết các vướng mắc (nếu có) để các con chiên của họ có một cuộc sống yên bình vừa tốt đời vừa đẹp đạo, thay vì xúi bẩy, kích động các tín đồ của mình đứng ra chống đối lại lực lượng thi công.

Hành động đó vừa trái đời vừa ngược đạo, đẩy các con chiên của mình vào con đường phạm pháp. Những giáo dân phải hiểu một điều rằng, dù là bên lương hay bên giáo thì đều là công dân nước Việt Nam, đều phải tuân theo pháp luật của Nhà nước Việt Nam và sự điều hành của chính quyền các cấp. Không một ai có quyền thay chính quyền quyết định mọi việc, nên đừng nuôi ảo tưởng là có ai đó quyết mọi việc mà không cần đến chính quyền. Nói vậy, nghĩ vậy và làm vậy thì chẳng khác nào đang lăm le phế truất, lật đổ chính quyền.

Đó chính là những vấn đề gợn lên đằng sau những hành động chống đối, cản trở việc thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1A đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Vì thế, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các sở, ngành có liên quan cần tập trung mổ xẻ, phân tích kỹ để nhận rõ bản chất thật của sự việc. Từ đó đề ra những biện pháp xử lý đúng, trúng bản chất vấn đề.

Duy Hương