Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung cho biết tín hiệu phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đã rõ hơn song còn thấp xa so với mức trung bình giai đoạn 1999-2000 và xu thế tăng trưởng chưa được cải thiện rõ nét.
 
 
images1130426_kinhte.jpgẢnh minh họa: TTXVN
 
 
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4 và cả năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình và thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. 
 
Tăng trưởng của Việt Nam từ 2012-2016 dự kiến chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar và thấp hơn Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan. 
 
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa cải thiện về chất lượng tăng trưởng; tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp giai đoạn 2008-2013 thấp đáng ngại.
 
Báo cáo cũng chỉ ra rằng để duy trì thành tích tăng trưởng đạt được trong thời gian gần đây, Việt Nam sẽ phải tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động lên gần 1,5 lần.
 
Năm 2014, việc thay đổi thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam được đẩy mạnh hơn. Quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được mở rộng; doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm. 
 
Thay đổi thể chế đã giúp làm giảm rào cản gia nhập thị trường và cải thiện hiệu lực bảo vệ quyền cổ đông, nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho hoạt động M&A và rút khỏi thị trường.
 
Về kinh tế năm 2015, báo cáo cũng đưa ra dự báo, trong điều kiện bình thường, tăng trưởng kinh tế năm 2015 dự báo ở mức 6,07% (mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,2%), tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 11,2%, thấp hơn so với năm 2014. 
 
Đáng lưu ý, thâm hụt thương mại dự kiến sẽ ở mức 3,9 tỷ USD, chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Còn mức tăng giá tiêu dùng là khoảng 4,14%, cao hơn so với năm trước.
 
Theo ông Nguyễn Đình Cung, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục duy trì những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế kinh tế, cần tạo lập, củng cố trật tự và kỷ luật thị trường tốt hơn thì mới có thể cải thiện chất lượng tăng trưởng quốc gia. Bên cạnh đó, quyền tự do, tự chủ kinh doanh cần tiếp tục được mở rộng; doanh nghiệp được tự quyết nhiều hơn đối với các vấn đề nội bộ; đồng thời, thay đổi thể chế cũng sẽ làm giảm rủi ro pháp lý; tăng mức độ an toàn trong đầu tư, kinh doanh và giúp giảm chi phí.
 
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay là rất cần đối với doanh nghiệp, nhưng dư địa thực tế không nhiều. Đây chính là nút thắt đối với nền kinh tế. 
 
Việc hạ lãi suất khó có thể diễn ra trên diện rộng, mà chỉ thông qua vận động một số ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam cho các ngân hàng này.
 
Theo Vietnam+