Theo báo Usa Today, ACPC là thuật ngữ để nói về những loại máy tính xách tay hội tụ các tính năng chính: pin có khả năng cung cấp năng lượng cho máy trong nhiều ngày; công nghệ khởi động tức thì (instant-on) cho phép người dùng sử dụng một tính năng nào đó khi mở máy hoặc chạm vào một phím nào đó mà không nhất thiết phải chờ đợi khởi động toàn bộ hệ điều hành, và một kết nối mạng di động tốc độ cao để tránh tình huống phải lùng tìm wifi trong khi di chuyển.
Nói một cách khác, khi đó chiếc laptop sẽ có các tính năng tựa như một chiếc smartphone hiện nay.
Qualcomm, nhà sản xuất chip thông minh lớn nhất thế giới, đang chiếm ưu thế vượt trội trong xu hướng công nghệ đang lên. Điều này cũng đánh dấu "cuộc chinh phục" lần 2 của công ty có trụ sở tại San Diego vào thị trường máy tính sau thất bại của hệ điều hành di động Windows RT (sản phẩm hợp tác giữa Qualcomm và Microsoft) ra mắt năm 2012.
Bên cạnh đó, Intel cũng là một đối thủ sừng sỏ trong lĩnh vực này. Hãng Intel từng hợp tác với Sony năm 2005 trong việc chế tạo chiếc máy tính cá nhân đầu tiên có hỗ trợ mạng di động. Trong vài năm qua, Intel cũng tham gia rất nhiều vào các việc nâng cấp chất lượng pin.
Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia công nghệ, năm 2018 chưa thể chứng kiến sự ra đời các dòng máy tính laptop ACPC.
Nhà phân tích công nghệ Tim Bajarin, chủ tịch Creative Strategies, hãng nghiên cứu thị trường đầu tiên tại thung lũng Silicon, nói: "Với các máy tính chúng ta đang có hiện nay, đã là may mắn nếu quý vị có chiếc laptop có pin dùng được 15 tiếng, và trong hầu hết các trường hợp là từ 8-10 tiếng, vậy thì làm sao chúng ta có thể thấy được sự đột phá lên một tiêu chuẩn mới trong năm nay lên 22 tiếng, hoặc chế độ chờ trong ít nhất một tuần".
Tuy nhiên trên thực tế đã có những minh chứng hứa hẹn khả năng này. Chẳng hạn, với chip Qualcomm Snapdragon 835, hãng máy tính ASUS tuyên bố pin máy tính của họ có thể kéo dài 22 tiếng trong chế độ phát video liên tục, và thời lượng pin có thể lên tới 30 ngày nếu ở chế độ chờ.
Với giá 799 USD, chiếc ASUS NovaGo (model # TP370) cũng là dòng máy tính có bản lề quay lật 360 độ với kết nối thường trực. Điều này giúp người dùng có thể biến một chiếc laptop thành máy tính bẳng khi bẻ cong lại phía sau màn hình 13,3 inch.
Đây cũng là chiếc máy tính đầu tiên có tốc độ Gigabit LTE, cho người dùng có được trải nghiệm liên tục được kết nối.
Cùng với tính năng pin có thể hoạt động nhiều này, những loại máy tính luôn kết nối này còn tận dụng được ưu thế phủ sóng khắp mọi nơi của các mạng điện thoại di động, do đó không cần phải loay hoay tìm điểm kết nối wifi như bình thường nữa.