Dẫn chúng tôi qua con đường ngoằn ngoèo dẫn đến vùng rừng Khe Tro của bản Vĩnh Kim (Hoa Sơn, Anh Sơn), Trưởng bản Lương Văn Thái chỉ vào ngôi nhà trống hoác và không khỏi ngậm ngùi nói: Đó là nơi ở của mẹ con bà Ngân Thị Phượng, tên thường gọi là bà Thường cùng con trai Lương Văn Quý.
Anh Quý sinh năm 1987, đã từng là cậu thanh niên khỏe mạnh, hiền lành. Cùng với khả năng ca hát nổi bật, anh Lương Văn Quý được dân bản Vĩnh Kim ngày ấy quý mến.
Bà Ngân Thị Phượng ngậm ngùi nhìn con trai phải sống trong cũi suối 14 năm qua, kể từ khi anh bị bệnh tâm thần. Ảnh: Phú Nam Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua cho đến năm 2004, khi anh Quý tròn 17 tuổi thì sóng gió ập đến. Người con trai hiền lành bỗng nhiên thay tính, đổi nết, không thích giao tiếp với người lạ, không tự kiểm soát hành vi, nhiều lần đập phá tài sản của gia đình và người dân trong bản.
Thấy tình trạng của con ngày càng nguy kịch, bà Phượng liền đưa con đi khám thì điếng người nhận được kết luận cuối cùng của bác sỹ, rằng anh Quý có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt.
Điều trị một thời gian, bệnh tình của con không có biến chuyển, số tiền dành dụm bấy lâu đã dùng hết để trang trải chi phí thuốc thang, sinh hoạt, bà Phượng buộc lòng đưa con về nhà, thâm tâm vẫn tin rồi con sẽ khỏe mạnh bình thường trở lại, sẽ là cậu con trai ngoan hiền, khỏe mạnh như trước.
Vậy nhưng người mẹ ấy phải đối diện với sự thật đau lòng là bệnh tình của con ngày càng trầm trọng, thường xuyên hành hung bố mẹ và đập phá tài sản, sẵn sàng gây gổ với bất cứ ai. Gia đình bà Phượng đành nhốt anh vào chiếc cũi sau vườn. Kể từ đó đến nay đã 14 năm trôi qua, cuộc sống của anh diễn ra trong chiếc cũi rộng chưa đến 2m2ấy.
Căn nhà của bà Phượng tại bản Vĩnh Kim (xã Hoa Sơn, Anh Sơn). Ảnh: Phú Nam Gạt ngang dòng nước mắt qua những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ, bà Phượng xót xa cho biết, năm 2010, chồng bà bị tai biến phải nằm liệt giường suốt 5 năm. Cuộc sống vốn đã vất vả khi chỉ dựa vào mấy vạt rẫy, nay lại phải chạy chữa thuốc thang cho chồng khiến gia đình hoàn toàn kiệt quệ. Giờ chồng đã mất, căn nhà thêm trống trải khi chỉ có một mình bà chăm sóc anh Quý.
Dù muốn đưa con chữa trị tại bệnh viện tâm thần nhưng cũng đành bất lực vì không có tiền. Hằng ngày, mọi sinh hoạt như tắm rửa, ăn uống, vệ sinh cá nhân của anh đều chỉ gói gọn trong chiếc cũi ấy.
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoa Sơn cho biết, gia đình nhà bà Phượng là hộ nghèo "thâm niên" của xã. 6 người con khác của bà cũng khó khăn, éo le. Giờ bà đã gần 75 tuổi nhưng vẫn phải nặng gánh mưu sinh..."
Câu chuyện đứt đoạn trong tiếng hát ngô nghê, vô định và la hét của anh Quý. Thương con, bà Phượng chỉ biết ngậm ngùi: "Giá mà con không bị bệnh, có lẽ giờ đây nó đã có vợ con, gia đình như bạn bè cùng trang lứa...!"