(Baonghean) - Trước đây, đời sống của những hộ dân ở bản Xốp Cháo (Lượng Minh - Tương Dương) đã trăm bề khó khăn do ngăn sông cách trở. Nay, sau khi Thủy điện Bản Vẽ tích nước, Xốp Cháo như là một "ốc đảo" lẻ loi giữa hồ nước rộng lớn. Xốp Cháo đang là bản 3 "không": không có đường giao thông, không điện lưới và sóng điện thoại.

Để tới được bản Xốp Cháo, chỉ có duy nhất 1 "con đường" là ngồi xuồng máy. Tại bến Thượng Lưu bên con đập thủy điện, người chủ thuyền vẫn nhẫn nại chờ dẫu đã trễ giờ chạy thường ngày đến nửa buổi. Bạn đồng hành của chúng tôi là 4 giáo viên đứng lớp tại khối lớp Xốp Cháo gồm 1 cô giáo mầm non và 3 thầy tiểu học. 

Mất gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào đến bản Xốp Cháo. Những ngôi nhà ẩn sâu dưới tán rừng như thể đang chơi trò ú tim với khách lạ. Lối vào bản lại được "ngụy trang" bởi lá cây dây leo và đủ thứ củi mục, rác. Xốp Cháo trước kia thuộc xã Kim Đa (Tương Dương). Khi xã này bị giải thể, nhiều bản chuyển đến 2 xã tái định cư ở Thanh Sơn và Ngọc Lâm (Thanh Chương), Xốp Cháo và một bản nữa là Pủng Co Moong ở lại nơi cũ, những hộ bị ngập nước chỉ di vén lên đồi cao. Bây giờ bản Xốp Cháo có 87 hộ đồng bào Khơ mú với 462 nhân khẩu. Bản chia thành 4 đội sản xuất ở rải rác trên những quả đồi và do chưa có đường bộ nên việc đi lại giữa các điểm dân cư phương tiện giao thông duy nhất của người dân là thuyền. Vì vậy, trẻ con trong bản mới lên 3, vào mẫu giáo đã phải làm quen với con thuyền, bến nước. 

Trẻ em Xốp Cháo đi thuyền tới lớp.

Bản Xốp Cháo có 40 học sinh tiểu học và 21 cháu mầm non thì quá nửa trong số này đều ở những đội sản xuất như Xốp Cháo, Xốp Vi, Khe Pậng, trong khi điểm trường lại đặt ở đội Pủng Meo. Nếu gia đình không có thuyền, các em học sinh phải đi đò dịch vụ, với giá cả đi lẫn về 10.000đ. Như vậy, mỗi tháng những học sinh gia đình khó khăn không có thuyền máy phải tốn thêm khoảng trên 200.000đ tiền đi lại. Khi nhà hết tiền, cha mẹ phải bỏ nương rãy chống bè mảng đưa con đến lớp. Mặc dù rất khó khăn, song theo trưởng bản Lô Văn Hưng thì trẻ em ở đây từ mẫu giáo đã rất ham học. Cả bản chỉ có một vài em nhỏ bỏ học do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rất ít có học sinh bậc tiểu học bỏ học giữa chừng. 

Mới sáng tinh mơ, anh Moong Văn Thạch ở đội sản xuất Xốp Cháo (bản Xốp Cháo) đã lái xuồng chở 2 cháu nhỏ đi học. Trong khi ông bố ngồi cầm lái thì cháu lớn đứng đầu mũi thuyền gạt hết rác rều vướng vào thuyền, cháu nhỏ dùng chiếc gáo nhựa tát nước tràn qua các khe nứt vào khoang thuyền. Anh Thạch vui vẻ cho biết: “2 đứa nhỏ nhà ta đứa lớp 1, đứa lớp 5. Trước đây chưa có thuyền máy, ta phải chống bè mảng đưa con đến lớp. Sau ta sắm được chiếc thuyền cũ này thì ta tự đưa”. Theo anh Thạch, chiếc thuyền của anh giờ đã cũ nát lắm rồi, nhưng không có tiền tu sửa, nên chuyện sắm áo phao hay phao cứu sinh đảm bảo an toàn cho bọn trẻ thì anh chưa tính đến. 

Năm học 2013 - 2014, thầy Bùi Văn Thắng, giáo viên Trường TH Lượng Minh (Tương Dương) về đứng lớp tại điểm trường Xốp Cháo. Trên 20 năm trong nghề "gõ đầu trẻ", cũng khá nhiều lần làm nhiệm vụ của những ông giáo cắm bản, nhưng đây là lần đầu tiên thầy Thắng về một bản giữa mênh mông trời nước thế này. Cùng giảng dạy tại bản xa này còn có 2 thầy giáo khác và 1 cô giáo mầm non. Mỗi giáo viên tiểu học của xã Lượng Minh có nhiệm vụ luân phiên nhau mỗi người 2 năm đứng lớp tại điểm lẻ Xốp Cháo hoặc bản Pủng Co Moong. 

Không thuận đường giao thông nên các thầy cô giáo thường ở lại trường hàng tháng liền. Lượng thức ăn mang theo trong mỗi lần về nhà thường chỉ đủ dùng từ 1 - 2 tuần. Hàng hóa, thức ăn chủ yếu cũng gửi theo thuyền thường rất chậm trễ. Sau những giờ lên lớp, các thầy cô lại phân chia công việc người lên rừng người kiếm rau, người vác chài, lưới xuống suối kiếm cá. Cũng may, con suối Pủng Meo khá dồi dào cá nên cũng không phải quá thiếu thốn thức ăn. 

Là bản đặc biệt khó khăn, mọi cơ sở hạ tầng đều đang trong giai đoạn xây dựng ban đầu. Trường học đã được nhà nước đầu tư khá kiên cố nhưng đường vào bản mới chỉ có 500m từ bến sông lên gần đội sản xuất Xốp Vi, nhưng hiện tại đoạn đường này đã bị nước dâng chìm ngỉm dưới lòng hồ.  Trưởng bản Lô Văn Hưng cho biết thêm: "Mùa này có thể gọi là "hạnh phúc" vì thuyền có thể vào sát bản. Mỗi năm có 3, 4 tháng nước rút, thường là các tháng từ 4 - 7 cách bản gần chục cây số, lúc này đường vào bản lầy lội ngập ngang thắt lưng, nên bản gần như bị cô lập". Thầy Bùi Văn Thắng, trưởng khối Xốp Cháo tiếp lời: Vào mùa nước rút việc duy trì sỹ số học sinh cũng trở nên phức tạp. Do không thể tới lớp nên các em nghỉ cả tuần ở nhà là chuyện bình thường. 

Học trò bản Xốp Cháo đi học.

Trong 3 ngày không có thuyền trở ra, "mắc kẹt" lại bản Xốp Cháo chúng tôi đã được trải nghiệm cảnh sống không điện, không sóng điện thoại, không thể liên lạc với bạn bè. Chính vì điều này mà cái "ốc đảo" Xốp Cháo nhỏ bé này dường như càng thêm biệt lập với thế giới bên ngoài. Là người khá hay chuyện so với cộng đồng Khơ mú sống dè dặt nơi đây, trưởng bản Hưng tâm sự: Từ ngày di vén lên vùng đồi cao, cuộc sống của đại bộ phận đồng bào Khơ mú ở bản Xốp Cháo trở nên khó khăn hơn ngày trước rất nhiều. Việc đi lại của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc xuồng máy cũ nát đang tiềm ẩn nhiều mối nguy về an toàn cho người dân, nhất là về mùa mưa bão. Vì không thể chủ động được phương tiện, lại xa xôi cách trở nên có những người khi ốm đau rất ngại đến bệnh viện. Chị Moong Thị Niệm đội sản xuất Xốp Cháo vừa qua một đợt điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện cho biết: Lúc đầu chỉ bị ho, vì xa trạm xá nên cứ để mặc cho bệnh tự khỏi, nào ngờ đến khi bệnh trở nên trầm trọng phải nằm viện gần một tháng trời, tiêu tốn gần chục triệu đồng. 

Nằm chon von giữa hồ nước, mỗi lần muốn họp dân, trưởng bản Hưng phải thông báo bằng giấy cho các đội trưởng sản xuất trước đó 3 ngày. Sau khi nhận được thông báo, tối đến, các đội trưởng sẽ đi đến từng ngõ bắc loa tay thông báo cho bà con. Sau đó người dân mới chống bè về nhà trưởng bản dự họp. 

Chia tay Xốp Cháo chúng tôi cứ băn khoăn mãi. Cũng như nhiều bản làng khác thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, người dân bản Xốp Cháo đã nhường phần đất của mình vì công trình quốc gia. Vì vậy, bà con dân bản nơi đây đang mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền để cuộc sống đỡ phần gian nan hơn, bọn trẻ yên tâm hơn trong việc học tập với mong muốn ngày mai thoát khỏi đói nghèo.

Bài, ảnh: Hữu Vi