(Baonghean) - Lâu lắm rồi, giờ tôi mới về lại Yên Tĩnh - 1 trong 6 xã vùng trong của huyện Tương Dương. Con đường mòn hun hút lợp dày lá mục ngược suối Chà Hạ thuở trước giờ đã thành đường ô tô được rải nhựa chạy đến tận dãy núi xa mờ phía đại ngàn như mời mọc bước người đi.

images1770094_bna_584dff3a1adfe.jpgDòng Chà Hạ đã bình yên trở lại sau “cơn sốt” đãi vàng. Ảnh: Hồ Phương

Vẫn những bản làng quần cư giữa những thung lũng hẹp bên Chà Hạ, nhưng giờ đây Yên Tĩnh đã có nhiều đổi thay. Chà Hạ là đường giao thông thủy quan trọng của Yên Tĩnh đã bao đời nay, thuyền bè, xuồng gắn máy đã giúp dân bản vận chuyển hàng hóa đến với miền xuôi.

Cái miền quê chốn thâm sơn đã sáng lên khi ánh sáng công nghiệp hiện diện trong cuộc sống hàng ngày. Đã nghe vang vọng tiếng máy xẻ gỗ, máy xát lúa, tiếng còi ô tô, xe máy rộn rã trong những lũng núi. Những đoàn người đi bộ gùi nặng trên vai, nhưng giờ họ đã biết dừng lại phút giây khi chiếc điện thoại di động trong chiếc túi thổ cẩm vang lên sóng nhạc báo hiệu lời nhắn gọi của người thân.

Bà con đồng bào Thái xúc cá trên dòng Chà Hạ, đoạn đi qua xã Yên Na.

Yên Tĩnh cơ bản đã có điện lưới, trạm tiếp sóng viễn thông, trường học, trạm y tế, công sở xây dựng khang trang. Nhưng qua những buổi làm việc với lãnh đạo xã tôi mới biết hiện tại đang là xã nghèo nhất huyện, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 74%. Với 1.000 hộ của 9 bản người Thái sống rải rác trên diện tích 15.614 ha sông núi hiểm trở, có bản xa trung tâm đến 3 giờ đi bộ. Đời sống của người dân chủ yếu nhìn vào cây lúa rẫy và khai thác lâm, khoáng sản. Mùa màng phụ thuộc vào thiên nhiên nên vấn đề lương thực của người dân rất bấp bênh.

Thực trạng những năm mất mùa, nhà nước đã trợ cấp hàng chục tấn gạo, muối cùng ngô, lúa giống, cá giống và dầu thắp sáng cho các hộ dân. Hàng năm lũ ống, lũ quét lại đến, mặt khác những hệ lụy của nạn khai thác vàng trái phép của một số doanh nghiệp trên địa bàn cùng những tệ nạn xã hội như mua bán, sử dụng ma túy… đã làm cho Yên Tĩnh thêm khó khăn.

Chủ tịch xã Vi Văn Khiêm bộc bạch với chúng tôi: “Trận lũ lớn ngày 14/9 vừa qua, dù chúng tôi đã dự tính trước nhưng vẫn không kịp trở tay. Lũ ập đến giữa đêm, trường THCS và một số hộ dân của bản Hạt,Văng Cuộm, Pà Tỵ ngập trong rốn lũ. Qua trận lũ chúng tôi đã nhận ra sự tác hại khi rừng đầu nguồn bị xâm hại và nạn khai thác lâm sản, khoáng sản bừa bãi. Mọi sự xảy ra đều có nguyên nhân để rồi có giải pháp mà khắc chế. Cũng như muốn Yên Tĩnh thoát nghèo thì phải tìm ra thế mạnh của vùng đất và đánh thức được tiềm năng của mỗi hộ dân khi họ biết thoát khỏi lề lối sản xuất, chăn nuôi cũ để sản xuất sản phẩm hàng hóa theo nhu cầu của thị trường…”

Nơi đây (bản Cặp Chạng) đã từng là công xưởng đào đãi vàng.

Đúng vậy, người dân đã bao đời sống giữa rừng núi với vô vàn khó khăn, họ quen chịu đựng sự nghèo khó từ đời này sang đời khác dẫn đến sự chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Muốn thoát khỏi tư duy cũ, cần có những yếu tố xóa nghèo bền vững và hướng phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất của quê hương mình.

Còn nhớ năm 2002, đoàn văn nghệ sỹ của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đi thực tế ở huyện Tương Dương. Chúng tôi vào xã Nga My thăm công trình thủy lợi ở bản Chon từ nguồn tài trợ Oxpam của Vương quốc Bỉ trên 3 tỷ đồng. Nhờ có công trình này xã Nga My có cánh đồng lúa 100 ha.

Ông Lữ Kim Duyên ngày ấy là Bí thư Huyện ủy nói với chúng tôi: “Không phải lãnh đạo và người dân không biết về tiềm năng cải tạo đất bằng thành cánh đồng lúa sẽ giảm được hàng trăm ha diện tích rẫy dốc và mỗi sào lúa nước 2 vụ mỗi năm sẽ cho sản lượng gấp 10 lần lúa rẫy. Biết mà bó tay vì cần tiền tỷ, mà dân thì còn nghèo. Nhưng khi có thủy lợi rồi lại còn bao nhiêu khó khăn đặt ra. Trước vận động dân xuống núi nay lại vận động chuyển nhà lên đồi, rồi chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác mới. Ngay từ “cầm tay chỉ việc” từ tập tục đốt nương, chọc lỗ gieo hạt sang cày bừa, bắc mạ, cấy thẳng hàng, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa cũng là cả một sự lạ lùng đối với dân bản…”.

Cung đường Yên Tĩnh, Hữu Khuông hôm nay.

Cũng chuyến đi đó, đoàn chúng tôi đã vào thăm bản Văng Cuộm, xã Yên Tĩnh. Ở thời điểm này đã có một số hộ dân có đàn bò trên 50 con. Nhưng nhìn ra dân bản vẫn chăn thả tự nhiên, thả rông quanh năm trong rừng, chỉ khi nào nhớ muối đàn bò mới tìm về bản. Khi gia súc bị dịch bệnh, đói rét chết hàng loạt cộng với đường giao thông khó khăn, sản phẩm bị tư thương ép giá đến 1/3 so với ở chợ huyện đã làm cho người dân nản và không còn hào hứng chăn nuôi lớn.

Bây giờ đã khác, khi cơ sở hạ tầng đã dần hoàn thiện, sự chuyển giao kỹ thuật cây trồng, vật nuôi đã đến từng hộ dân, đầu ra sản phẩm thông thoáng cùng sự chỉ đạo sát đúng của các cấp lãnh đạo và việc thực thi hiệu quả các dự án 135,134… cùng Nghị quyết 30a tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… xây dựng nông thôn mới thành công.

Xã đang phát huy thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng nguyên liệu keo lá tràm, mét, xoan. Bảo vệ rừng đầu nguồn và giao đất rừng đến từng hộ dân chăm sóc, bảo vệ. Người dân đã khoanh vùng chăn thả gia súc, xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chú trọng công tác thú y, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho năng suất cao. Xã đã có đàn trâu, bò trên 3.000 con, lợn 2.000 con, trồng rừng ngoài Nghị quyết 30a trên 70 ha, rồi rau xanh, cỏ voi…

Khu tái định cư Na Cáng.

Mấy ngày ở Yên Tĩnh, chúng tôi tìm thăm một số hộ làm kinh tế khá của các chủ trang trại Lương Văn Quang, Vi Văn Thủy, Vi Văn May… thuộc bản Cành Toọng, Cặp Chạng. Họ đều có chung mô hình VACR, vừa trồng lúa rẫy, vừa phát triển chăn nuôi bò đàn, lợn, gà, ao cá và trồng rừng nguyên liệu. Hộ nào cũng có đàn bò trên 30 con. Tôi hỏi về đầu ra của sản phẩm, họ vui vẻ cho hay: Bây giờ thuận tiện rồi, ô tô vào đến tận xã, bản thu mua sản phẩm, chỉ lo dân bản không làm được nhiều hàng hóa thôi.

Đêm ở miền sơn cước thật lạnh. Gió từ những cánh rừng, những dãy núi đá đổ xuống những thung lũng thông thốc như đập cửa từng ngôi nhà sàn bình yên trong sương. Những ý nghĩ về một vùng đất cứ miên man thức gọi trong tôi. Dòng Chà Hạ mải miết chảy trong đêm nghe rất rõ tiếng sóng trong và xanh. Cứ nghĩ đến một số lớp học ở đây còn tranh tre mà thương. Được biết xã đã có những học sinh THPT, những sinh viên đại học mà lòng cứ xôn xao những niềm vui mới. Vâng, mai đây Yên Tĩnh sẽ có những thế hệ công dân mới có học thức cao, họ đã kế thừa những đức tính can trường, cần cù, chịu thương chịu khó của cha ông mình bao đời truyền lại. Họ là những người của thời đại mới trong giai đoạn cách mạng mới…

Võ Văn Vinh

Ảnh: Hồ Phương

 

TIN LIÊN QUAN