P.V:Tương Dương được đánh giá là một trong những địa phương miền núi thực hiện có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU, đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai đề án của đảng bộ huyện?
Đồng chí Lữ Văn May:Thực hiện Đề án 01, qua khảo sát thực tế, Đảng bộ huyện Tương Dương có 3 chi bộ có nguy cơ không còn chi bộ gồm các bản: Xoóng Con (xã Tam Thái), Thằm Thẩm và Huồi Măn (xã Nhôn Mai) do khó phát triển đảng viên (vì đặc thù vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc).
Vì vậy, huyện xác định bên cạnh sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thì vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện đến cấp xã có ý nghĩa quan trọng; cần thông qua các cấp hội, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên phát hiện các nhân tố tích cực, ưu tú giới thiệu cho Đảng.
Đồng thời thông qua già làng, người có uy tín, phát huy những ảnh hưởng của bản thân để tuyên truyền, vận động, phát hiện, bồi dưỡng nhân tố cho phát triển Đảng.
Huyện cũng chú trọng phát huy tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám, nắm tình hình cơ sở của các thành viên ban chỉ đạo của huyện để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xác định rõ việc tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng ở cơ sở để các chi bộ, cấp ủy cơ sở giới thiệu học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng.
"Quan điểm chỉ đạo của huyện thực hiện phát triển đảng viên trên địa bàn huyện nói chung, đối với các chi bộ có nguy cơ không còn chi bộ, là không vì tăng số lượng mà coi nhẹ chất lượng".
P.V:Vậy, việc triển khai Đề án 01-ĐA/TU trên địa bàn huyện còn có khó khăn, bất cập gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lữ Văn May:Khó khăn lớn của địa phương là hạn chế nguồn quần chúng, do đa số thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa (đi lao động ngoài huyện, tỉnh, đi xuất khẩu lao động). Một bộ phận thanh niên không có mục tiêu lý tưởng, thiếu ý thức rèn luyện tu dưỡng phẩm chất, đạo đức…
Đa số quần chúng lao động ở khu vực nông thôn hạn chế về trình độ học vấn (trình độ văn hóa chỉ cấp 1, cấp 2); thiếu việc làm, đời sống không ổn định, cơ sở hạ tầng thôn, bản chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện để tiếp cận các phương tiện thông tin nghe nhìn còn hạn chế nên tư duy, nhận thức về Đảng chưa đầy đủ.
Ngoài ra, là địa bàn miền núi cao, Tương Dương gặp không ít những khó khăn, phức tạp như: Di cư tự do, tranh chấp đất đai sản xuất, ô nhiễm môi trường, buôn bán và sử dụng ma túy, các vấn đề về lao động và việc làm, buôn bán người...
Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao. Chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Triển khai thực hiện Đề án 01- ĐA/TU ở Tương Dương, 3 chi bộ có nguy cơ không còn chi bộ đã phát hiện, bồi dưỡng nhận thức về Đảng được 16 đoàn viên, quần chúng ưu tú và đã kết nạp được 10 đồng chí. Hiện nay, còn 2 quần chúng đang làm hồ sơ kết nạp và các chi bộ đang tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện 4 đoàn viên, quần chúng ưu tú đưa vào danh sách cảm tình Đảng, nhằm tạo nguồn kết nạp đảng viên trong thời gian tới.
P.V:Để các chi bộ được xóa “trắng đảng viên” phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, thời gian tới huyện Tương Dương sẽ có giải pháp gì?
Đồng chí Lữ Văn May:Để phát huy vai trò các chi bộ đã được xóa “trắng đảng viên”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện dự sinh hoạt chi bộ thuộc các đảng bộ cơ sở được phân công phụ trách định kỳ 1 tháng/lần.
Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các đảng ủy xã, thị trấn điều chỉnh, phân công các đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ, công chức xã, thị trấn trực tiếp sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc đảng ủy hợp lý hơn (khắc phục được tình trạng cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo tập trung nhiều ở một số thôn bản nơi cư trú trong khi các thôn, bản khó khăn không có cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo sinh hoạt và chỉ đạo), trong đó phân công các đồng chí bí thư, phó bí thư sinh hoạt tại những chi bộ đặc biệt khó khăn nhất.
"Qua đó việc duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ được bảo đảm đúng quy định mỗi tháng 1 lần, chất lượng sinh hoạt chi bộ được cải thiện và nâng lên cả về nội dung và hình thức".
Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều giao Ban Tổ chức Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy cơ sở. Cùng đó, thực hiện kế hoạch đã được phân công cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy đã trực tiếp xuống tận các chi bộ để tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bí thư chi bộ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đạt kết quả tốt nhất.
Song song với việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Tương Dương đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương, đề án lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ cao về tái “trắng đảng viên” chi bộ như: phát triển được hơn 70 ha chanh leo, từ đó mở ra hướng phát triển mới có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở một số xã, bản vùng cao, biên giới, trong đó có chi bộ các bản: Huồi Măn và Thằm Thẩm thuộc xã Nhôn Mai.
Với những kết quả trên, hiện đã giảm dần tình trạng người dân đi làm ăn xa, di cư tự do trái phép, tạo điều kiện để thanh niên ở lại xây dựng quê hương.
Chính họ là nguồn quần chúng để phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng, trở thành nhân tố bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của tổ chức Đảng ở những vùng khó khăn, vùng đặc thù.
P.V:Xin cảm ơn đồng chí!