(Baonghean) - Xóa được nghèo và tự tin cho những dự định làm ăn mới, họ đều phấn khởi cho biết, dù mỗi người có một cách làm riêng, nhưng chủ yếu là từ khao khát  vượt khó, tiếp cận, nắm bắt các thông tin KHKT trong sản xuất; và thật bất ngờ khi họ tâm sự mộc mạc là những gì rút ra thành bài học, kinh nghiệm thực tế chủ yếu nhờ tờ báo Đảng tỉnh nhà. Họ, là người nông dân Tân Kỳ đang nỗ lực vươn lên làm ăn mới... 
 
Ông cán bộ xóm Tiền Phong 2, xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) dẫn chúng tôi đến gia đình bà Đặng Thị Hải, đã thoát khỏi hộ nghèo cách đây gần 1 năm. Bà Hải vồn vã tâm sự: “Nhà vốn nghèo cốt. Loay hoay mãi cứ thiếu ăn. Bao phen trách phận và đổ tại trời. Vợ chồng tui ít được đọc báo, ti vi cũng không mấy được xem, may có đứa con gái đang học lớp 12 ham đọc báo lắm. Hàng ngày nếu có bài báo nào viết về kinh nghiệm sản xuất là nó trao đổi với mẹ, hoặc mượn tờ báo đó về cho gia đình cùng đọc. Một lần con gái cầm về tờ báo Nghệ An có đăng bài về kinh nghiệm trồng rau xanh, nuôi bò sinh sản với ý chí vươn lên thoát nghèo… tui nghe thấy phù hợp với điều kiện của gia đình nên quyết định nhờ chính quyền địa phương làm hồ sơ vay vốn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đồng thời  tìm hiểu kỹ để áp dụng kinh nghiệm sản xuất rau hàng hóa ngay trong mảnh đất vườn nhà”. 
 
images869302__dsc1821_1_.jpgBà Đặng Thị Hải, xóm Tiền Phong 2, chăm sóc vườn rau.
 
Cứ thế, năm 2011, gia đình bà Hải được vay 10 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, cùng với ít tiền gia đình tích cóp được, bà mua 1 con bò cái về nuôi. Một thời gian ngắn sau đó bò đẻ được con bê đực. Tự tin hẳn, tận dụng bãi cỏ trước xóm, cùng với biết cách chăm sóc nên con bò nái của bà Hải mỗi năm đẻ một lứa, đến nay trong chuồng đã có 3 con bò, bê. Sắp tới gia đình sẽ bán 1 con bò để có tiền trả ngân hàng. Không những thế, năm ngoái gia đình được người anh em cho vay tiền để mua 1 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc chu đáo, nay con trâu đã đẻ được 1 con nghé. Chăn nuôi trâu bò đã cho gia đình bà Hải một tài sản lớn so với đời sống vùng thôn quê này.
 
Chưa hết, 2 sào đất vườn nhà, mùa nào thứ ấy, vụ xuân hè trồng ngô, vụ đông trồng các loại rau xanh. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, gia đình bà Hải sản xuất phân hữu cơ vi sinh, cùng với phân chuồng ủ hoai, đem bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí đầu tư, đất đai tơi xốp, do vậy cây trồng phát triển nhanh. Vụ đông này, trong mảnh vườn của gia đình bà Hải có nhiều loại rau: cải, su hào, rau gia vị… được chăm sóc theo từng lứa.
 
Bà Hải khoe: “Chiều nào cũng sử dụng vòi bơm để tưới rau, sáng dậy, cả nhà tập trung hái rau, sau đó tui gánh rau ra chợ bán. Nhờ sự cần cù chịu khó và biết cách áp dụng KHKT cho nên vào mùa rau, ngày nào gia đình cũng có thu nhập”. Nhờ biết cách làm ăn có khoa học, mặc dù thu nhập chưa cao, nhưng gia đình bà Hải thực sự thoát nghèo theo tiêu chí của Nhà nước. Mới rồi, gia đình bà đầu tư gần 200 triệu đồng để nâng cấp căn nhà ở khang trang. Có của ăn của để, vợ chồng bà Hải thực sự phấn khởi, tự tin trong cuộc sống.
 
Đến xã Đồng Văn của huyện Tân Kỳ, chúng tôi được lãnh đạo địa phương giới thiệu về ông Chủ tịch Hội Nông dân xã nhờ áp dụng từ sách báo đã xây dựng một trang trại chăn nuôi tổng hợp có thu nhập cao. Đó là lão nông đích thực “kiểu mới” Nguyễn Như Phúc ở xóm Vĩnh Thành.
 
Nguồn gốc gia đình nông dân nghèo, nên sau khi xây dựng gia đình riêng trong hoàn cảnh của vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn, công việc nhà nông vất vả, quanh năm suốt tháng lăn lộn với mấy sào ruộng nhưng thu nhập chẳng được là bao, kinh tế gia đình ông Phúc vì thế nghèo vẫn hoàn nghèo.
 
Năm 2002, ông Phúc tham gia công tác xã hội tại địa phương, kinh qua từ xóm trưởng bây giờ là Chủ tịch Hội Nông dân xã. Ngay khi tham gia làm cán bộ hội Nông dân, ông Phúc nhận thấy là trong tổ chức, vận động hội viên nếu mình cứ nói suông thì không có hiệu quả. Lời nói phải đi đôi với việc làm! Ông Phúc tự xoay xở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình một cách rất riêng trên vùng đất khó. Làm cán bộ hội, hàng ngày được tiếp xúc với báo chí, trong đó rất hữu ích là các thông tin từ  tờ báo đảng địa phương, ông chịu khó đọc và áp dụng được nhiều kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, cách làm giàu từ trang trại… Từ năm 2007, ông Phúc quyết định đầu tư chăn nuôi lợn rừng, ba ba, ếch, lợn nái siêu nạc và bò. Ông Phúc tâm sự: “Xã hội cho mình ý chí quyết tâm. Chuyển tải tinh thần đó phải nói là nhờ báo chí, nhất là tờ báo đảng tỉnh nhà. Vợ tôi suốt ngày buôn bán ở chợ quê, 5 người con đã có gia đình riêng, làm lụng chăn nuôi một mình tôi đảm nhiệm mà vẫn thấy vui vì có thành quả. Giờ hành chính, tôi đến trụ sở làm việc hội, hết giờ về nhà là hăng hái lao vào lao động”. 
 
Thoạt tiên, tôi ngỡ vườn nhà ông Phúc là một vùng đồi đất rộng, nhưng hóa ra mảnh đất đai sinh lời đáng nể ấy chỉ là mảnh đất vườn của ông ở ngay giữa làng quê đông đúc, diện tích thật khiêm tốn. Quan sát khu vườn thấy ở đâu cũng được tận dụng để quy hoạch thành chuồng trại chăn nuôi với nhiều cách khác nhau. Khu đất rộng nhất phía sau cùng, ông xây tường cao tầm 1 m, bên trên vây kín bằng thép B40 thành vùng chăn nuôi lợn rừng; tiếp đến là chuồng trại chăn nuôi lợn nái siêu nạc, ở khu vực giữa là mấy cái bể xây bằng xi măng để nuôi ếch, ba ba và trong cùng là khu vực chăn nuôi gà, ngan, ngỗng. Ngoài ra gia đình còn có 7 ha đất đồi hiện đang khoanh nuôi kết hợp với chăn thả đàn bò.
 
Ông Nguyễn Như Phúc kiểm tra ba ba giống trước khi bán.
 
Ông Phúc chia sẻ kinh nghiệm: “Tất tần tật chủ yếu là nhờ báo chí. Tưởng đã yên phận nông dân nghèo, mình đọc báo tìm hiểu được cái sôi động làm ăn, cách nắm bắt cơ hội, ý chí vươn lên làm kinh tế của thiên hạ. Thế là bắt tay vào hành động... Cách thức sau này cũng nhờ học hỏi sách báo nhé: Với lợn rừng, hàng ngày tôi cho ăn ngô, rau, chuối là đủ. Gia đình có hơn 1 mẫu đất trồng ngô, hàng năm thu hoạch ngô về là để cả bắp, phơi khô, mỗi bữa mang ra ít bắp cho lợn ăn, rau và thân cây chuối cũng vậy, cứ để cả cây cho chúng tự gặm, xé, không phải thái nhỏ như lợn ta thường nuôi.
 
Có thời điểm đàn lợn rừng phát triển đến 100 con, trong đó 10 con lợn nái. Mới rồi, do phải đầu tư làm nhà cho con nên đã bán hàng chục con lợn cho các nhà hàng, khách sạn ở Thành phố Vinh, giá bán từ 150 - 180 nghìn đồng/kg. Nuôi lợn rừng chi phí ban đầu để mua giống khá cao, nhưng chi phí đầu tư thức ăn thấp, và nuôi mang tính hoang dã, do vậy không vất vả mà thu nhập cao, thị trường dễ tiêu thụ, đặc biệt là vào dịp lễ tết. Đối với ếch và ba ba cũng dễ nuôi. Chỉ cần xây mấy cái bể chìm, cho nước vào có độ sâu chừng 30 cm, bỏ một lớp cát dày khoảng 3 - 5 cm dưới đáy bể, thả bèo tây kín mặt nước, sau đó thả ba ba xuống nuôi. Khi ba ba đến kỳ sinh sản, xây một ngăn trên cao rộng chừng 1 - 2 m2, đổ cát vào cho ba ba bò lên đẻ trứng. Khi trứng nở con, thả vào một ngăn riêng để nhân giống”.
 
Ông Phúc cho biết thêm, hiện nay đàn ba ba trưởng thành của ông đã có hàng trăm con có trọng lượng trên 1 kg. Đàn ba ba giống cũng đông đúc, đã có nhiều người dân trong vùng đến mua giống về nuôi. Thức ăn cho ba ba chủ yếu tận dụng thức ăn dư thừa hàng ngày, như cá, thịt băm nhỏ. Giá mỗi con giống từ 20 - 50 nghìn đồng, ba ba thịt bán với giá 300 nghìn đồng/kg. Ếch cũng là loài dễ nuôi, sinh sản nhanh, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ mạnh.
 
Bởi vậy, trong hệ thống nuôi ếch của ông Phúc lúc nào cũng nhiều sản phẩm ếch, khách hàng cần là có ngay. Nhờ biết cách làm ăn, mỗi năm gia đình ông Phúc thu về hàng trăm triệu đồng, có điều kiện cho các con vốn làm ăn sau khi xây dựng gia đình. Biết được Chủ tịch Hội Nông dân xã làm kinh tế giỏi bằng cách chăn nuôi tổng hợp, hàng năm có rất nhiều hội viên trong xã đến học hỏi kinh nghiệm, đồng thời mua con giống về nuôi, được ông nhiệt tình hướng dẫn một cách tỉ mỉ. Bởi với ông, thêm một hội viên biết làm kinh tế để thoát khỏi đói nghèo là thêm một niềm vui cho tổ chức hội.
 
Với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã, bằng những kinh nghiệm của bản thân, mỗi khi có hội viên đến tìm hiểu cách làm ăn, ông Phúc cố gắng truyền đạt, hướng dẫn cho hội viên nắm vững từ các chủ trương, chính sách của Đảng, đến cách áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đã góp phần đưa phong trào phát triển kinh tế của nông dân phát triển theo chiều hướng tích cực...
 
“Một ngày đàng” học lắm “sàng hay”. Dịp công tác Tần Kỳ này, chúng tôi được biết thêm một thực tiễn thú vị: Người nông dân đã thực năng động, nếu Nhà nước có sự tuyên truyền, động viên kịp thời và thiết thực, trong đó có báo chí, thì bản thân họ sẽ phát huy rất tốt nội lực, phẩm chất để vươn lên làm ăn tự cải thiện hiệu quả đời sống của mình.
 
Xuân Hoàng