(Baonghean.vn)- Qua cuộc thi "SLNA - Niềm tự hào xứ Nghệ", với tư cách là một CĐV nhiệt thành của đội bóng, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến bà Thái Hương - người có đóng góp không nhỏ cho sự tồn tại và phát triển của bóng đá xứ Nghệ được như ngày hôm nay.
Ai cũng biết bà Thái Hương - chủ tịch HĐQT tập đoàn TH vốn không đam mê bóng đá như các đấng mày râu. Tuy nhiên những gì mà bà đã làm cho bóng đá xứ Nghệ thực sự đáng được ghi nhận...
Suốt chừng ấy năm lên chuyên nghiệp, nhiều đơn vị đã trở thành nhà tài trợ, nguồn đầu tư chính cho đội bóng Sông Lam Nghệ An. Đếm đi đếm lại, trong số những cái tên đó, không có ai cam kết gắn bó với SLNA quá nổi 3 năm.
Họ bén duyên với SLNA cũng đa phần vì mục đích thương mại chứ không vì cái tâm với bóng đá xứ Nghệ. Họ "mang con bỏ chợ", "đánh trống bỏ dùi" là những từ ngữ được dành cho các đơn vị làm bóng đá trước đây.
Cũng dễ hiểu bởi bóng đá Việt Nam lúc này chỉ có thể tiêu tiền đều đều chứ khó có thể làm đồng tiền sinh lãi. Chẳng thế mà hai đại gia như HAGL hay Hà Nội T&T thời gian qua còn gặp khó về vấn đề lương thưởng cho các cầu thủ. Tuy nhiên, với SLNA và NH Bắc Á thì không. Được biết, lương, thưởng của các thành viên CLB có thể thấp hơn nhiều so với các đội bóng như B. Bình Dương, FLC Thanh Hoá nhưng không bao giờ chậm một ngày, đều đặn và ổn định.
Mặc dù đã có thời điểm (năm 2012), NH Bắc Á khó khăn nhưng đã phải rót cho SLNA 85 tỷ đồng. Trong 3 năm đầu tiếp quản SLNA, NH Bắc Á đã phá két đầu tư không vào bóng đá với con số lên đến 240 tỷ đồng. Trong bối cảnh các doanh nghiệp tại Nghệ An đa phần đều không vượt ngưỡng lợi nhuận 50 tỷ đồng/ năm thì những con số kia thực sự là không tưởng...
Năm 2016 là năm thứ 7 NH Bắc Á và TH True Milk sát cánh cùng bóng đá SLNA, nhưng thật tuyệt vời là SLNA không hề bị đổi tên. Đó mới là quyết định sáng suốt giúp đội bóng Nghệ chiếm được vị trí nhất định trong trái tim người hâm mộ. Nếu như SLNA đổi tên thành "Bắc Á Bank SLNA" thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Có lẽ bà Thái Hương hiểu rằng giá trị của đội bóng SLNA nằm ở đâu? Điều gì khiến SLNA là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Sau hơn 6 năm gắn bó, phần nào NH Bắc Á mà ở đây là TGĐ Thái Hương cũng cho thấy trách nhiệm, bổn phận của mình với quê hương. Dù cho hàng năm SLNA vẫn đối diện với nạn chảy máu nhân tài, nhưng đó là quy luật của sự phát triển, quy luật của cơ chế thị trường.
Và với những cầu thủ gần đáo hạn hợp đồng đều được NH Bắc Á xem xét giữ chân với số tiền phù hợp... Không thể đòi hòi ở một doanh nghiệp nào đầu tư nhiều hơn cho bóng đá vào lúc này. Bởi bóng đá hoàn toàn không mang lại nguồn lợi nào thiết thực hơn số tiền bỏ ra để đầu tư.
Sau chừng ấy năm sát cánh cùng NH Bắc Á, SLNA đưa về phòng truyền thống CLB 1 chức vô địch Cup QG (2010), V.League (2011), Siêu Cup QG (2011), 5 HCV ở các giải đấu trẻ và nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác.
Có người nói rằng bà Thái Hương đầu tư cho SLNA là vì mục đích thương mại. Nếu chỉ đơn giản là như vậy thì tôi không đồng tình. Vì tập đoàn TH đầu tư vào Nghệ An là theo chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà, tạo nhiều công an việc làm cho người dân địa phương...
Thật may, nếu bà Thái Hương không đam mê bóng đá thì vẫn có gia đình bà yêu SLNA như ruột thịt. Nếu bà không dành nhiều thời gian cho bóng đá vì quá bận, thì bà vẫn đau đáu cái tình với quê hương. Nếu bà không giàu lòng vị tha thì có lẽ SLNA đã không có được sự phục vụ của một người thầy tâm huyết và đam mê với nghề như cựu trung vệ Nguyễn Huy Hoàng sau những biến cố khó chấp nhận.
Dưới góc nhìn của mình, tôi vẫn thấy SLNA gặp muôn vàn khó khăn, còn nhiều vấn đề tồn tại, đào tạo trẻ đi xuống nhưng lạc quan mà nói, SLNA có được như bây giờ cũng thật là may mắn. Nếu chẳng may NH Bắc Á "buông" thì không biết ai dám "cưu mang" SLNA như cách mà đơn vị chủ quản lúc này đang làm. Tôi nghĩ rằng các CĐV SLNA - những người luôn lấy SLNA làm niềm tự hào, hãnh diện nợ bà Thái Hương một lời cảm ơn!
T.W
Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An