Thời gian xét tuyển đợt 1 sắp kết thúc, các sĩ tử đang trong giai đoạn nước rút để kết thúc “vòng xoáy” nộp - rút, rút- nộp hồ sơ.

Vòng luẩn quẩn đó giống như các thí sinh đang chơi một ván bài, như đang trên sàn chứng khoán vậy.

Thí sinh, phụ huynh phải liên tục theo dõi vị trí, thứ hạng để biết mình đang ở đâu, tỷ lệ đỗ là bao nhiêu. 

Kỳ thi năm nay quá rắc rối, bất cập và vất vả cho thí sinh và người nhà, đặc biệt là những em ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế nhiều khó khăn.

Ngay từ đầu, kỳ thi THPT quốc gia đã yêu cầu thí sinh phải sử dụng nhiều công nghệ thông tin, mạng Internet. Ở miền núi, vùng sâu, xa, đây là trở ngại lớn với thí sinh.

Khi biết điểm thi, học sinh ở thành phố còn phải đợi hàng giờ để truy cập được trang web của Bộ GD&ĐT, huống hồ những em ở vùng khó khăn, những nơi đến trường mất cả nửa ngày đường.

Nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh tiếp tục phải theo dõi từng giờ, từng ngày. Vùng núi xa xôi, hẻo lánh chưa có kết nối Internet, muốn biết thông tin, thí sinh phải ra tận thị trấn để vào mạng. 

Không yên tâm, nhiều gia đình đã bán trâu, bò, lợn, gà, thậm chí cả thóc để ra thành phố, thuê nhà chờ đợi rút - nộp hồ sơ. Cuộc đua vì thế được ví phập phù như chơi chứng khoán.

Tất nhiên, thí sinh có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện, nhưng có khi cả tuần vẫn chưa thấy tên mình trong danh sách của trường, nên lo lắng. Đó là chưa kể việc nộp hồ sơ qua bưu điện có thể thất lạc hay chậm. Vậy là, sau khi khăn gói đi thi lần một, sĩ tử tiếp tục "lai kinh" để dự một kỳ thi khác cũng không kém phần gay cấn: Xét tuyển đại học.

Không thể phủ nhận những ưu điểm của hình thức đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT năm nay,  nhưng trước mắt là những bất cập, khó khăn mà đối tượng phải gánh chịu đầu tiên chính là phụ huynh và người nhà thí sinh, nhất là những gia đình nghèo, vùng núi, vùng sâu, xa.

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN