(Baonghean) Trên bãi biển, gặp cô nhân viên xí nghiệp vệ sinh môi trường đô thị thoăn thoắt ấn mạnh những nhát “xẻng” xuống lòng cát. Lúc đưa lên trong lòng “xẻng” không phải là cát mà toàn vỏ sò, vỏ lạc, vỏ ghẹ. Thấy lạ, tò mò tìm hiểu, được biết đây là một dụng cụ do  người dân Cửa Lò sáng tạo để thay thế “chổi” quét rác trên bãi biển.

Cùng với “5 không”, trong những năm qua, Cửa Lò đang tìm mọi cách giữ gìn vệ sinh môi trường biển, nhất là các bãi tắm. Năm 1996, thị xã bỏ ra hàng tỷ đồng nhập máy sàng cát từ Pháp về. Ưu điểm của máy là sàng nhanh, hết rác nhưng vì máy to nên không thể tiếp cận được các điểm xung quanh quán ốt. Đặc biệt là xung quanh khu vực căng dù để du khách nghỉ ngơi sau khi tắm biển. Đây là khu vực bị ô nhiễm nhất do rác thải của du khách trong quá trình ăn uống vứt xuống. Để giải quyết vệ sinh khu vực này, năm 2007, xí nghiệp có sáng kiến dùng cào để gom rác. Nhưng số rác lấy cũng chỉ được khoảng 1/3. Số rác nhỏ lọt qua lâu ngày tích tụ lại trong cát dẫn đến nguy cơ ô nhiễm ngày thêm nghiêm trọng.

780317_small_80042.jpg

       Công nhân Xí nghiệp Vệ sinh môi trường TX. Cửa Lò dùng xẻng sàng cát.

Đang đau đầu vì chưa tìm ra cách giải quyết triệt để, một sáng đầu tháng 5/2012, chị Hoàng Thị Tơ - Giám đốc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường Cửa Lò cùng với nhân viên của mình đang tổ chức thu gom rác trên bãi biển, thấy một người đàn ông đang thử nghiệm một dụng cụ sàng cát cầm tay. Thấy lạ, mọi người xúm lại xem, qua phút bỡ ngỡ, chị Tơ hỏi mượn và làm thử. Thấy có hiệu quả nên chị đề nghị Công ty cho làm thử 5 cái và sử dụng có hiệu quả.  Đến nay toàn xí nghiệp đã được trang bị đầy đủ. Từ ngày có “xẻng” sàng cát, công việc của người công nhân vệ sinh nhẹ nhàng hơn, năng suất gấp 3 lần trước đây.

Chị Thu một công nhân của xí nghiệp cho biết, ông Nguyễn Trọng Linh là người sáng chế ra dụng cụ này. Ông là một người tham gia kinh doanh du lịch ở đây, thấy rác ở khu vực bãi tắm lẫn trong cát ngày một nhiều, nhất là trong khu vực du khách ngồi nghỉ ăn uống nên ông luôn trăn trở làm sao để thu gom rác ở những khu vực này một cách triệt để. Ông nghĩ ngay đến một dụng cụ cầm tay như cái chổi, có thể “quét” sâu vào lòng cát để lấy hết rác. Từ suy nghĩ, đó ông đã tận dụng lưới sắt, ống nước, lưỡi cưa để làm nên chiếc “xẻng”. Lưỡi “xẻng” bằng tôn được thay thế bằng lưới sắt để khi xúc lên rác trong cát đọng lại phía trên mặt lưới. Đối với đất cát, “chiếc chổi” này vô cùng hiệu nghiệm.

Ông Phùng Bá Thảo ở khối 1, người có ốt kinh doanh ở khu vực bãi biển, được ông Linh tặng 1 chiếc xẻng cho biết: Cứ mỗi buổi sáng, chỉ cần 10 phút “sàng” là quanh khu vực quán ốt của tôi sạch tinh, không còn 1 vỏ lạc, vỏ sò… Đề nghị thị xã có kế hoạch nhân rộng dụng cụ này, làm sao mỗi ốt có một chiếc xẻng làm vệ sinh quanh khu vực của mình. Theo chúng tôi, điều này không khó bởi 1 chiếc xẻng giá thành từ 120.000 đ - 180.000 đồng (tùy theo nguyên liệu). Đây là một khoản tiền không phải là lớn so với hiệu quả mà nó mang lại.


Anh Tuấn