Xem thôn nữ Nghệ An thoăn thoắt 'trèo trám' không thua cánh mày râu
(Baonghean.vn) - Nghề hái trám được xem là một nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số phụ nữ cũng theo nghề này và trèo trám không thua cánh đàn ông.
07/08/2020 - 12:03
Những ngày này, người dân các huyện miền núi Nghệ An đang bước vào mùa thu hái trám đen. Từ sáng sớm những người làm nghề hái trám đã chở dụng cụ (lưới, sào, bao bì, thau rổ) lên đường hành nghề. Ảnh: Huy Thư
Hiện nay những cây trám cho quả nhiều ở các địa phương chủ yếu là trám tự nhiên cây cao chót vót. Trước lúc hái trám những người làm nghề thường giăng lưới xung quanh gốc để hứng trám. Ảnh: Huy Thư
Cây trám thân cao, tán rộng, cành giòn, việc hái trám không hề đơn giản lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lúc hái trám chỉ cần sơ suất là có thể xảy ra tai nạn. Do đó, trước khi trèo lên cây những người làm nghề hái trám đều tự trang bị đai thắt lưng, dây bảo hiểm… khá đầy đủ. Ảnh: Huy Thư
Trèo lên thân cây trám là công việc khó khăn đầu tiên của nghề hái trám. Một số người không thể bám vào thân cây, khi trèo phải nối thang, áp 1 cây tre vào thân cây trám để làm điểm tựa, rồi bám theo cây tre trèo lên. Ảnh: Huy Thư
Ở các huyện có nhiều trám như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ… thường xuất hiện những người làm nghề buôn trám gắn liền với việc trèo hái và những người chuyên đi hái trám thuê. Riêng huyện Thanh Chương có hàng chục người làm nghề buôn trám và trèo trám. Nhiều nhóm hái trám có cả chồng và vợ đều biết trèo cây. Ông Nguyễn Hoàng Hòa (54 tuổi) – người dân có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trèo trám ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) cho biết: “Mỗi mùa trám, gia đình tôi thường mua khoảng 100 cây trám để hái quả. Mùa trám về, dường như ngày nào cũng phải trèo cây, chỉ trừ ngày trời mưa” . Ảnh: Huy Thư
. Làm nghề trèo trám đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, có thần kinh vững vàng, gan dạ, không sợ độ cao. Đa số người làm nghề trèo trám là đàn ông, tuy nhiên vẫn có một vài phụ nữ “đặc biệt” leo cây, hái trám không thua cánh mày râu. Trong ảnh: Một phụ nữ ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) đang hái trám trên cây cao. Ảnh: Huy Thư
Người dân nhặt trám trong lưới sau khi người trên cây hái được. Ảnh: Huy Thư
Theo những người trèo trám, trám năm nay ra hoa, đậu quả nhiều, nhưng do gặp bão nên khi trám chín, một số cây rất thưa quả. Ngoài ra trận nắng hạn kéo dài vừa rồi cũng ảnh hưởng đến chất lượng quả. Dân hái trám chuyên nghiệp thường chỉ đi hái 1 buổi sáng, còn buổi chiều nghỉ ngơi lấy sức. Mỗi buổi hái trám, một người có "tay nghề" cũng hái được khoảng 1 – 1,5 tạ quả. Ảnh: Huy Thư
Quả trám béo bùi không chỉ là món ăn ngon, mà còn là một loại hoa quả vườn rừng “siêu sạch”, nên được nhiều người ưa thích. Giá trám quả trên thị trường dao động từ 80 - 120 nghìn đồng/kg. Hiện nay, trám là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, một cây trám trưởng thành thu về từ vài triệu đến cả chục triệu đồng tiền bán quả. Nghề trèo trám cũng nhờ đó mà “nên nổi”, tuy vất vả, hiểm nguy rình rập, nhưng bù lại thu nhập khá. Mỗi mùa trám, một hộ buôn trám kiêm nghề hái trám cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Ảnh: Huy Thư