Cộng đồng người Mông (Nghệ An) chủ yếu sống quần cư trên các ngọn núi cao ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Dân tộc này hiện còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng từ trang phục, lễ tết, ma chay, cưới hỏi…đến ẩm thực. Ảnh: Đào Thọ
Sau những vụ mùa, đến dịp gần Tết, nhà nhà người Mông ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) lại bắt tay vào làm bánh nếp. Đây là loại bánh mang đậm nét văn hóa truyền thống ẩm thực của dân tộc Mông từ xưa đến nay. Nếp được sử dụng là nếp rẫy và được ngâm nước từ 5-6 tiếng đồng hồ sau đó mới đem vào hông chín. Ảnh: Đào Thọ
Theo chị Lầu Máy Hua ở bản Sơn Hà, từ gần tháng nay chị và các nhà trong bản bắt đầu làm bánh. “Bánh này người Mông gọi là “lua dúa”, khi làm phải dùng lá dong hoặc lá chuối để gói. Ngày Tết, các bản làng người Mông đều không thể thiếu món ăn này” – chị Lầu Máy Hua nói. Ảnh: Đào Thọ
Nếp sau khi hông chín được đổ vào một chiếc luống làm bằng gỗ dày để giã nhuyễn. Ảnh: Đào Thọ
Việc giã bánh là khâu mất nhiều công sức nhất trong quá trình làm bánh. Ở giai đoạn này cần phải những người khỏe mạnh dùng chày gỗ nặng giã liên tục đến khi nếp đặc quánh lại mới thôi. Ảnh: Đào Thọ
Nếp được giã nhuyễn sau khoảng 20 phút nhưng vẫn phải đảm bảo độ trắng, dẻo. Ảnh: Đào Thọ
“Mỗi kg nếp có thể làm được 5-10 bánh tùy loại to nhỏ. Tết đến, một số dòng họ người Mông sẽ dùng bánh để cúng tổ tiên, chiếc bánh lớn nhất xếp dưới cùng, chiếc nhỏ hơn để giữa và chiếc bé nhất để trên cùng” – anh Mùa Bá Vừ ở bản Sơn Hà cho biết.
Để khi nặn bánh không dính vào tay, người Mông luộc một quả trứng rồi lấy lòng đỏ xoa vào lòng bàn tay. Ảnh: Đào Thọ
Những chiếc bánh của người Mông có hình dáng đơn giản nhưng làm rất kỳ công. Khi ăn có thể nướng hoặc rán nhưng thành phẩm phải đảm bảo độ trắng, thơm và dẻo. Đây là vật phẩm mà người Mông dâng cúng tổ tiên nhân dịp lễ, Tết với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, sức khỏe dồi dào. Ảnh: Đào Thọ

Người Mông làm bánh dẻo ngày Tết. Clip Đào Thọ