(Baonghean.vn) - Trong nhiều loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần của người Mông thì loại kèn làm bằng lá cây vẫn được người Mông coi trọng vì nó nói lên nỗi lòng của họ trên chốn núi rừng.
Theo ông Và Xếnh Lù ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) thì ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được chỉ dạy cho cách thổi kèn lá. Cứ thế, kèn lá luôn đồng hành với ông trong suốt chiều dài cuộc sống. Những lúc rảnh rỗi ông thường ra sau nhà hái lá ra thổi để bày tỏ niềm vui, nỗi buồn trong lòng mình.
Ông Và Xếnh Lù cho hay, lá sử dụng làm kèn phải là lá có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa thì khi thổi âm thanh mới hay. Có nhiều cách thổi kèn lá, nhưng thường sử dụng theo hai cách. Một là ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, dùng môi để giữ và kết hợp giữa việc sử dụng lưỡi và hơi đẩy ra qua kẽ hở của môi. Hai là dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ở hai bàn tay để giữ hai đầu của lá sau khi đã ngậm ở môi, dùng lưỡi kết hợp với môi để đẩy hơi tạo ra âm thanh.
Xem ông Và Xếnh Lù thổi kèn lá:
Âm thanh của kèn lá được mô phỏng các làn điệu dân ca của dân tộc Mông dùng để bày tỏ nỗi lòng, tình cảm của con người với thiên nhiên, với con người và tình yêu trai gái.
Hiện nay, vào các bản làng người Mông kèn lá vẫn là một loại nhạc cụ không thể thiếu. Sau ngày làm việc, họ như thoải mái hơn bởi tiếng kèn lá réo rắt, quyến rũ. Cứ thế, họ nhắn gửi biết bao tâm tư, tình cảm của mình người mình yêu mến thông qua tiếng kèn.
Một chàng trai người Mông ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cười bẽn lẽn cho biết: “Mình yêu tiếng kèn lá bởi nó nói lên được những nỗi niềm trong lòng mình. Cũng nhờ tiếng kèn ấy mà ngày đầu xuân đi ném pao mình lấy được người vợ xinh đẹp này”.
Xem người Mông thổi kèn lá:
Trong cuộc sống hiện đại với bao nhiêu loại nhạc cụ du nhập vào nhưng người Mông xứ Nghệ vẫn luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình qua tiếng kèn đơn giản bằng lá cây ấy.
Đào Thọ