(Baonghean.vn) - Từ thân cây nứa, đồng bào Thái ở Nghệ An đã chế tác thành cây đàn tập tinh -loại nhạc cụ độc đáo, có thể thay trống và chiêng trong những hoàn cảnh nhất định. 

Để chế tác đàn tập tinh, việc làm trước tiên của nghệ nhân là vào rừng tìm lóng cây nứa thật già, có đường kính và chiều dài càng lớn càng tốt để làm thân đàn.
Nguyên liệu chế tác đàn tập tinh là lóng cây nứa già, có đường kính và chiều dài càng lớn càng tốt để làm thân đàn. Bên cạnh đó là thanh tre để làm mặt trống và dùi trống. Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp (dân tộc Thái) ở bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) chế tác đàn tập tinh. Ảnh: Công Kiên
Lóng nứa được giữ nguyên cả 2 mắt, người chế tác dùng dao vát một đường trên bề mặt tinh nứa để làm mỏng một phần phần thân. Sau đó, khoét một lỗ nhỏ nằm chính giữa phần bề mặt đã được vát mỏng. Người chế tác tiếp tục dùng mũi dao nhọn và sắc tách các dây tinh nứa nằm sát 2 bên đường vát mỏng ban đầu. Ảnh: Công Kiên
Tách xong, dùng cật nứa nhỏ chèn 2 đầu dưới các dây tinh nứa để làm đà tăng độ căng cho dây. Tiếp sau, cắt một khối tre mỏng thành hình bầu dục đặt lên lỗ nhỏ khoét sẵn trên bề mặt đã được vát mỏng để làm mặt trống. Ảnh: Công kiên

Xem nghệ nhân chế tác và "chơi" đàn tập tinh:

Cây đàn tập tinh được chế tác càng nhiều dây thì âm điệu càng phong phú, thể hiện sự tài hoa và đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Khi chế tác nhạc cụ này, đồng bào Thái có thể thay thế trống, chiêng trong những hoàn cảnh nhất định. Chẳng hạn, khi đang trên nương, trên rẫy, lúc đêm xuống, ánh trăng vằng vặc giữa đại ngàn, mọi người có nhu cầu tụ tập để chuyện trò, sau đó cùng ca hát và nhảy múa. Không ai mang theo trống, chiêng, để có nhạc cụ phát ra âm thanh thay thế, người ta đã chế tác ra đàn tập tinh. Ảnh: Công Kiên
Chiếc đàn tập tinh đã được chế tác xong, để sử dụng, người chơi cần thêm một thanh tre nhỏ, chiều dài khoảng 20 - 30cm để gõ vào mặt trống trên thân đàn hoặc gõ chung quanh thân đàn sẽ phát ra âm thanh vui tai. Độ vang của âm thanh phụ thuộc vào lực gõ và vị trí gõ. Và để các sợi dây đàn phát ra âm thanh, người chơi dùng các ngón tay để gảy. Nếu như khi gõ, âm thanh tiếng đàn phát ra như tiếng trống thì khi gảy âm thanh ngân dài tựa như là tiếng chiêng. Ảnh: Công Kiên
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp nổi tiếng không chỉ bởi khả năng dàn dựng các tiết mục văn nghệ đặc sắc mà còn tài chế tác các loại nhạc cụ dân tộc Thái, trong đó có đàn tập tinh. Ông còn sáng tác bài hát "Cây đàn tập tinh" với giai điệu vui tươi và hào hứng: “Cây đàn tập tinh đã từ bao đời, chọn từ cây nứa, cây nứa trên lưng đồi, cây nứa bên suối ngàn được đem về làm nên cây đàn. Trẻ già, gái trai đàn hát vui tập tinh. Tiếng đàn tập tinh vang vọng núi đồi, cầu cho nương lúa, nương ngô xanh tươi; cầu cho cây rừng ngút ngàn xanh thắm; con hươu, con nai, đàn chim vui sum vầy. Tiếng đàn tập tinh vọng ngôi nhà sàn, gọi tình con trai, con gái làm duyên, gọi mùa Xuân tới hội vui bản mường...”. Ảnh:  Công Kiên

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN