Sáng 24/5, Đoàn Khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Phạm Thành Chung - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc khảo sát việc chấp hành pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

bna_a2ad35ce15add5f38cbc654000_2452022.jpgĐoàn khảo sát của HĐND tỉnh làm việc với huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Lê Thanh

Huyện Quỳ Hợp có 4 tuyến quốc lộ và 3 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài gần 183 km chạy qua tất cả các xã (21 xã, thị) trên địa bàn huyện.

Trên địa bàn huyện có 468 điểm giao nhau giữa đường liên huyện, đường liên xã, đường dân sinh với các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, cơ bản các điểm giao nhau với trục đường chính đã được cắm biển báo hiệu đường bộ đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên, nhiều điểm giao nhau liên quan đến các vị trí trường học chưa có vạch kẻ đường giao nhau, chưa có sơn gờ giảm tốc, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đồng chí Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp trao đổi những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Lê Thanh

Để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, hàng năm UBND huyện, Ban ATGT huyện, các ngành cấp huyện đã tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện.

Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, vỉa hè đô thị từ năm 2017 - 2020, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông, vỉa hè đô thị được người dân xử lý tự tháo dỡ.

Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã giải tỏa 2.695 trường hợp hộ gia đình có công trình vi phạm, với 4.453 công trình, cây cối các loại; tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông giảm hẳn, tai nạn giao thông trên địa bàn huyện liên tục giảm rõ rệt so với những năm trước khi Nghị quyết 56 ra đời.

Các đại biểu tham gia Đoàn khảo sát. Ảnh: Lê Thanh

Song song với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, huyện Quỳ Hợp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa.

Tính đến ngày 30/03/2022, đã có 50 cá nhân, doanh nghiệp tự nguyện ký cam kết không vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn; tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành, thùng xe. Đến nay đã có 102 phương tiện tự giác gỡ bỏ phần cơi nới thùng xe, thực hiện “chạy đúng, chở đủ” góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, theo báo cáo của huyện Quỳ Hợp, tình trạng xe quá tải vẫn lưu thông trên một số tuyến đường; xe cơi nới thành, thùng xe không đúng với thiết kế ban đầu,…

Đồng chí Phạm Thành Chung kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Lê Thanh

Qua khảo sát thực tế và  làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp, Đoàn khảo sát trao đổi với địa phương làm rõ một số nội dung về: Hiệu quả thực hiện các văn bản liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATTGT; những vấn đề đặt ra đối với tình trạng xe quá tải trọng; phổ biến pháp luật ATGT trong trường học; việc tái lấn chiếm hành lang ATGT; việc phối hợp các sở, ban, ngành trong quản lý các tuyến tỉnh lộ còn gặp khó khăn, vướng mắc gì.

Tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn đạt thấp; hệ thống đường giao thông nông thôn xuống cấp nhanh; một số tuyến tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng; còn tồn tại các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Khảo sát tại tuyến Quốc lộ 532 đoạn qua xã Châu Tiến (Quỳ Hợp). Ảnh: Lê Thanh
Trao đổi với Đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Trần Đức Lợi cho biết: Khó khăn trong công tác đảm bảo ATGT là tình trạng xe tải trọng lớn lưu thông nhiều, hình thành những điểm đen tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, các tuyến đường xuống cấp,...
 
Xe chở vật liệu lưu thông nhiều làm xuống cấp các tuyến đường trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Lê Thanh

Tại cuộc làm việc, huyện Quỳ Hợp kiến nghị với Đoàn khảo sát đề xuất tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường đã xuống cấp một cách đồng bộ để nâng cao hiệu quả đầu tư, như tuyến Tỉnh lộ 532 qua huyện Quỳ Hợp. Có cơ chế hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã).

Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Phạm Thành Chung - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị nhân rộng các mô hình, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Cùng với đó là tăng cuờng công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT; thực hiện các giải pháp chống tái lấn chiếm hành lang ATGT; xử lý các điểm đen tiềm ẩn mất ATTG; tổng hợp sửa đổi, kiến nghị liên quan vướng mắc, bất cập trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật. Nắm bắt kịp thời các ý kiến cử tri liên quan đến đảm bảo trật tự ATGT,...
Liên quan đến các kiến nghị của địa phương, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp và gửi đến các sở, ban, ngành có thẩm quyền.