Xe cứu hỏa bị trụ bê tông 'chắn đường' khi chữa cháy rừng tại Nghệ An
(Baonghean.vn) - Đám cháy tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu bị kéo dài từ trưa đến tối một phần là do xe cứu hỏa không thể tiếp cận được hiện trường kịp thời vì bị các trụ bê tông tại đường làng ngăn cản.
12/07/2020 - 10:16
Lực lượng chức năng phá bỏ trụ bê tông để xe chữa cháy tiếp cận hiện trường. Clip: Đào Hồng Trung
Đám cháy tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu kéo dài từ trưa ngày 10/7 đến 22 giờ 30 tối cùng ngày mới cơ bản khống chế được. Đây được xem là một trong những vụ cháy rừng có thời gian chữa cháy dài nhất trên địa bàn xã và một trong những nguyên nhân khiến công tác chữa cháy gặp trở lại là do xe cứu hỏa bị "chặn đường" bởi các trụ bê tông.
Xe cứu hỏa bị "mắc kẹt" tại xóm 4, xã Diễn Lộc vì không thể tiếp cận được hiện trường. Ảnh do UBND xã Diễn Lộc cung cấp
Được biết, ngay khi đám cháy xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động lực lượng cùng 5 xe chữa cháy đến xã Diễn Lộc để dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, khoảng 15 giờ chiều 10/7, khi các xe chữa cháy đến hiện trường tại xóm 4 thì bị "mắc kẹt" do các trụ bê tông tại đường làng ngáng đường, các xe chữa cháy không thể đi qua.
Các chiến sỹ phá bỏ trụ bê tông tại xã Diễn Lộc. Ảnh cắt từ clip
Trước tình thế nguy cấp, các chiến sỹ PCCC đã phải dùng các dụng cụ để phá bỏ 2 trụ này để xe chữa cháy có thể vào làm nhiệm vụ. Việc phá bỏ trụ bê tông tốn nhiều thời gian khiến công tác chữa cháy bị kéo dài, đám cháy lan rộng.
Ông Hoàng Ngọc Tịnh - Bí thư Chi bộ xóm 4, xã Diễn Lộc cho biết: "2 trụ bê tông đó được làm từ năm 2014, khi chúng tôi làm con đường NTM này. Mục đích khi làm chỉ mong hạn chế được xe trọng tải lớn đi qua, có thể làm hư hỏng con đường mà người dân và chính quyền đã chung sức xây dựng. Tuy nhiên, qua sự việc lần này chúng tôi thấy việc xây dựng trụ bê tông đã gây ra những bất cập mà trước đó chúng tôi chưa thể lường trước được".
Trụ bê tông sau khi được phá bỏ. Ảnh: Quang An
Trao đổi với P.V, ông Phan Huy Thanh - Chủ tịch UBND xã Diễn Lộc cho biết: Thực tế khi xảy ra đám cháy, người dân tại xóm 4 đã cùng nhau đập trụ để xe của các lực lượng chữa cháy làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, do các trụ bê tông này đổ dày, rất chắc chắn nên người dân không thể phá bỏ. Sau đó, các lực lượng phải dùng búa tạ và máy khoan mới có thể phá được trụ.
"Chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra các tuyến đường trên địa bàn xã và tháo dỡ các trụ tương tự để không xảy ra các sự cố sau này", Ông Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 29/6, tại xã Diễn Phú (Diễn Châu) cũng xảy ra vụ cháy rừng. Tuy nhiên, khi xe của lực lượng quân đội đến địa bàn cũng bị "mắc kẹt" vì các trụ bê tông tại đường làng, khiến các chiến sỹ phải đi bộ để lên hiện trường dập cháy, vừa khiến công tác chữa cháy bị kéo dài, vừa bào mòn sức của lực lượng chữa cháy.
Có thể thấy, việc xây dựng các trụ bê tông trên những con đường làng ở Nghệ An hiện vẫn còn phổ biến ở một số địa phương. Mặc dù có khả năng hạn chế được xe trọng tải, tuy nhiên thực tế cho thấy các trụ bê tông này gây ra nhiều bất cập. Trong đó, thường xuyên nhất là xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, va quệt xe cộ khi lưu thông qua các trụ này.
Nguy cấp hơn là những lúc xảy ra các sự cố về thiên tai, hỏa hoạn, các xe của lực lượng chức năng không thể tiếp cận được hiện trường, gây hậu quả nghiêm trọng như trường hợp của xã Diễn Lộc vừa qua.
Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều trụ bê tông tại các con đường làng. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Hiện nay, Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đã đề xuất với các địa phương đập bỏ những cái trụ bê tông đó, thay vào đó là cắm biển báo giao thông về tải trọng của con đường. Làm như vậy vừa bảo vệ được chất lượng của tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế tai nạn giao thông, giúp lực lượng không gặp trở ngại khi xảy ra các sự cố thiên tai và tạo được nét văn hóa của làng quê./.