(Baonghean) - Với gần 300 phương tiện vận hành mỗi ngày (khoảng 1.254 lượt chạy), 18 tuyến xe buýt trên địa bàn Nghệ An đã phát huy hiệu quả tích cực trong vận tải hành khách công cộng từ TP. Vinh đến các địa phương và ngược lại; đó là góp phần hạn chế phương tiện cá nhân trên các tuyến đường và tạo thuận lợi cho người dân giao lưu phát triển kinh tế- xã hội.
Phát huy hiệu quả tích cực
Thống kê của phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Nghệ An, từ 1 doanh nghiệp mở tuyến xe buýt đầu tiên với 20 xe vào năm 2008, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp đầu tư 18 tuyến hoạt động ổn định với gần 300 phương tiện. Mỗi ngày, có trên 1.254 lượt phương tiện được huy động để phục vụ nhân dân đi lại trên các cung đường. Tần suất từ 15 đến 35 phút có 1 chuyến xe (tùy từng tuyến).
Hiện tất cả các tuyến xe buýt đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tự cân đối chi phí, không cần sự bù giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách và ngày càng có nhiều doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư vào loại hình dịch vụ xe buýt. Mới đây, vào cuối tháng 4/2017, doanh nghiệp tư nhân Khanh Quỳnh khai trương tuyến xe buýt số 31 hành trình Vinh - Con Cuông và ngược lại, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Bên cạnh 18 tuyến xe buýt đang hoạt động, theo Quyết định số 377/QĐ-UBND (ngày 22/1/2016) của UBND tỉnh Nghệ An “về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020 định hướng đến năm 2025”, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 14 tuyến xe buýt đã được xác định lộ trình đưa vào khai thác. |
Đặc biệt, tuyến mới này khai thác trên dịch vụ tuyến đường mới N5 đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân hai bên tuyến. Ông Lê Văn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH Khanh Quỳnh chia sẻ: “Sau 3 tuần hoạt động trên tuyến đường mới rất thuận lợi, lượng khách trên tuyến này đang tăng lên, điều đó động viên chúng tôi yên tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách công cộng và nâng cao chất lượng phục vụ”.
Anh Nguyễn Văn Sơn, nhà ở phường Bến Thủy, TP. Vinh nhưng làm việc trong một chi nhánh ngân hàng tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu. Hàng ngày, từ sáng sớm, anh bắt chuyến xe buýt đầu tiên từ TP. Vinh đến Cầu Giát làm việc và chiều lại đi xe buýt theo chiều ngược lại để về nhà.
Đều đặn như vậy 3 năm nay, xe buýt trở thành “người bạn” đồng hành tích cực cùng anh Sơn. Điều đó giúp anh cũng như hàng nghìn người dân khác không phải phóng xe máy trên tuyến đường xa đầy nguy hiểm khi tai nạn giao thông luôn rình rập. Anh Sơn chia sẻ: “Trước đây khi chưa có xe buýt, tôi phải ở lại Cầu Giát vài ba ngày mới về nhà một lần và thường di chuyển bằng xe máy, nhưng từ khi xe buýt hoạt động ổn định, tôi mua vé tháng và đi lại thuận lợi…”.
Yêu cầu phát triển hài hòa
Qua khảo sát các tuyến xe buýt đang hoạt động cho thấy còn nhiều bất cập, tồn tại cần quan tâm giải quyết; như: một số tuyến, phương tiện ô tô xuống cấp, nhất là tuyến từ thành phố Vinh đi TX. Hoàng Mai và ngược lại; thành phố Vinh đi Quỳ Hợp và ngược lại; thành phố Vinh đi Yên Thành và ngược lại… Cùng đó, tình trạng lái xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu làm cho hành khách nhiều phen hú vía, trên thực tế, có nhiều vụ tai nạn xe buýt diễn ra nghiệm trọng.
Xem xét hành trình của 18 tuyến xe buýt hiện có, đều xuất phát từ nội thành thành phố Vinh đi các huyện, thế nhưng, có những tuyến đường hầu như tuyến xe buýt nào cũng chạy qua, còn rất nhiều tuyến đường chính khác chưa được đưa vào tuyến kết nối, dẫn đến nơi thì mật độ quá dày, nơi thì chưa có xe buýt hoạt động.
Điển hình như các tuyến đường: Nguyễn Du, Lê Duẩn, Phong Định Cảng, Mai Hắc Đế, Nguyễn Trãi có tới 16/18 tuyến xe buýt chạy qua, nên có thời điểm trên tuyến, các hãng xe buýt chạy “chen nhau”. Trong khi, rất nhiều tuyến đường chính khác chưa có bất kỳ tuyến xe buýt nào đi qua.
Đặc biệt, có nhiều tuyến đường “bị ngắt ra”, thiếu liên kết, như: 1 đoạn của đường Hồ Tùng Mậu giao từ ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, hoặc như trên Đại lộ Lê Nin, từ vòng xuyến Hải Quan (cũ) đến giao nhau với đường Nguyễn Sỹ Sách chưa có xe buýt đi qua, trong khi trên tuyến này có nhiều đơn vị, cơ quan và khu dân cư…
Trao đổi vấn đề trên, ông Nguyễn Quế Sự - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Phát triển xe buýt là tất yếu. Sau nhiều năm ngành GTVT kêu gọi, đến nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào xe buýt nội tỉnh, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại từ các địa phương đến thành phố Vinh và ngược lại.
Tuy nhiên, việc kết nối các tuyến đường nội thành ở thành phố Vinh là bài toán khó, bởi nhiều tuyến đường của thành phố nhỏ, chặng không dài... Cùng đó, hạ tầng và quy hoạch thành phố đang có những điều chỉnh ảnh hưởng đến bố trí các tuyến xe buýt.
Vì vậy, UBND tỉnh đã giao cho thành phố Vinh làm chủ một dự án phát triển xe buýt nội thành, vốn vay ngân hàng thế giới và thuê nhà tư vấn, thiết kế nước ngoài tham gia. Nếu được phê duyệt các phương án, trong tương lai sẽ có thêm những tuyến xe buýt kết nối các tuyến đường nội thành đến các tuyến nội tỉnh, tạo sự liên kết chặt chẽ trong vận tải khách, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ công khai, minh bạch, bình đẳng về thông tin, quy hoạch và góp phần định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác các tuyến xe buýt có hiệu quả.
» Thông tin thêm về vụ xe buýt Thạch Thành gây tai nạn
Nguyên Sơn