bna_cac_dai_bieu_tham_du_hoi_thao_anh_phuong_thuy9756765_882019.jpgChiều 8/8, tại huyện Nghĩa Đàn, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống Nghệ An thành hàng hóa”. Dự hội thảo có đồng chí các Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại; Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Phương Thúy

Đa dạng sản phẩm đặc sản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Thúy

Đến nay, Nghệ An có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương có thể phát triển thành hàng hóa. Trong số này, có 84 sản phẩm chế biến và 75 sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

Nghệ An có hơn 150 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; 690 hợp tác xã và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại.

Tỉnh đã có một số sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu, hoặc đang đăng ký hồ sơ bảo hộ sở hữu trí tuệ; nhãn hiệu tập thể,...

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình tuyển phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Phương Thúy

Tuy vậy, tỉnh cũng còn rất nhiều đặc sản và sản phẩm bản địa, các sản phẩm làng nghề truyền thống vẫn chỉ "mang danh trong vùng" chứ chưa tiếp cận được với thị trường, người tiêu dùng chưa thực sự biết đến, do đó doanh thu, lợi nhuận và giá bán không đạt như kỳ vọng.

Toàn tỉnh Nghệ An có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) nhưng mới có 49 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 26,9% tổng số sản phẩm hiện có; có 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 17,6% tổng số sản phẩm hiện có.

Trong khi nhận thức của người dân về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chưa đồng bộ; vấn đề sử dụng và khai thác nhãn hiệu, quản lý thiếu chặt chẽ, tồn tại tình trạng tranh chấp hoặc vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ; năng lực của tổ chức sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất còn hạn chế; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; thiếu sự tiếp cận thông tin, nhu cầu thị trường…  

Từ thực trạng đó, thông qua Hội thảo “Phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống Nghệ An thành hàng hóa” nhằm đánh giá hiện trạng, đúc rút kinh nghiệm về việc phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống Nghệ An, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên, đồng thời góp phần thực hiện Đề án “Mỗi làng một sản phẩm” của tỉnh.

Nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Thúy

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ý kiến các đại biểu  tập trung đi sâu làm rõ các nhóm vấn đề: Đánh giá khả năng và thực trạng phát triển đặc sản, sản phẩm Nghệ An thành hàng hóa; chia sẻ một số mô hình điển hình thành công trong nước và trong tỉnh.

Qua đó đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát triển một số sản phẩm đặc sản; xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; phát triển thị trường tiêu thụ...

Thực hiện "3 có” đối với sản phẩm

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp trách nhiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã.

“Hội thảo là cú hích khích lệ, động viên doanh nghiệp và người sản xuất phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống địa phương; góp phần triển khai, thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nói.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng bơ của HTX 1/5 huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Phương Thúy

Định hướng phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống Nghệ An trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước mắt, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành địa phương quan tâm công tác quy hoạch trong phát triển nguyên liệu, sản phẩm.

Trên cơ sở rà soát lại danh mục sản phẩm đặc sản của tỉnh đã công bố, sẽ nghiên cứu lựa chọn một số sản phẩm phục vụ du lịch. Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xác lập, khai thác và quản lý, phát triển nhãn hiệu, sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Tập trung tác động đến các đặc sản và sản phẩm truyền thống một cách đồng bộ thông qua các giải pháp khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất, chế biến, đến xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm đặc sản của các địa phương được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Thanh Lê

Cùng đó, tỉnh triển khai các giải pháp quản lý đồng bộ sản phẩm nông nghiệp với phương châm "3 có": có nhãn hiệu - có quản lý chất lượng - có khả năng truy xuất nguồn gốc.