(Baonghean) - Sản phẩm cá cơm Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) ngon nức tiếng, xuất khẩu đi nhiều nơi, nhưng chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Nhãn mác, bao bì được tiểu thương in sẵn, không liên quan nhiều đến địa danh xuất xứ, không có ai đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu cá cơm để tìm đầu ra và nâng cao giá trị cá cơm Quỳnh Lập là điều hết sức cần thiết.

Cá cơm trắng ở Quỳnh Lập thơm ngon nức tiếng từ lâu đời. Đây là sản phẩm của các tàu cá trong vùng, đánh bắt chủ yếu ở khu vực Vịnh Bắc bộ. Ảnh: N.K
TIN LIÊN QUAN
Ở xã Quỳnh Lập hiện nay có 8 lò hấp sấy cá cơm, trong đó có 7 lò đang hoạt động. Những ngày trời mưa không thể phơi cá, chủ lò phải huy động kho đông để bảo quản. Cá sản xuất đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó. Mức giá thu mua được chia làm 2 loại. Cá cơm trắng có giá từ 3.600 – 3.700 đồng/kg, cá cơm đen có giá 44.000 – 45.000 đồng/kg. Nguồn xuất hàng chủ yếu sang Trung Quốc và một số đầu mối ở các thị trường nội địa. Từ hơn 1 năm nay, các chủ lò hấp ở xã Quỳnh Lập đã liên kết với nhau thành tổ lò hấp. Dù không có các ràng buộc bằng văn bản nhưng những chủ lò đã thống nhất cùng nhau hỗ trợ thu mua cá, chủ động đầu vào và áp giá với thương lái; hỗ trợ nhau kỹ thuật, nhân công khi cần thiết. Hiện nay, mỗi lò hấp đang tạo việc làm cho khoảng 50 - 70 lao động, với mức thu nhập từ 2,5 – 5 triệu đồng/người/tháng tùy theo mức sản phẩm. 

Các chủ lò hấp sấy cá cơm ở Quỳnh Lập cho biết, với truyền thống về nghề hấp sấy cùng sự chịu khó của chủ lò và công nhân, thì vấn đề nguồn hàng, chất lượng cá cơm của Quỳnh Lập là không cần phải lo lắng. Điều trăn trở nhất của những chủ lò hấp sấy cá cơm là vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Cá cơm Quỳnh Lập thơm ngon nức tiếng từ bao đời. Đội tàu thuyền của Quỳnh Lập cũng nhiều nhất, nhì TX. Hoàng Mai, nhưng cá cơm Quỳnh Lập thì chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, mà hầu như mới nghe truyền miệng trong dân gian. Hiện nay, các lò hấp sấy cá cơm đã đóng thùng sản phẩm trước khi xuất kho, nhưng thương hiệu, nhãn mác lại được thương lái in sẵn. Mỗi thương lái in một kiểu, không theo quy chuẩn, cũng không có chỉ dẫn nào liên quan đến Quỳnh Lập.

Ông Phạm Chí Diên, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hoàng Mai cho biết, hiện nay, nghề hấp sấy cá cơm đang mang lại hiệu quả rất cao. Không chỉ tạo việc làm, mà còn là “bà đỡ” cho các tàu cá xa bờ của ngư dân. Cá đánh được bao nhiều, chủ lò mua hết bấy nhiêu. Ngư dân không phải ra Thanh Hóa hoặc đi tỉnh khác bán cá như trước nữa. Ngoài Quỳnh Lập, thì các lò hấp ở Quỳnh Dỵ cũng đang khẳng định được hướng đi đúng của mình. Cái thiếu nhất hiện nay là chưa xây dựng được thương hiệu cá cơm và sản phẩm bị phụ thuộc hoàn toàn vào công ty nhập khẩu sang Trung Quốc. Chủ lò hấp cũng như chính quyền địa phương không kiểm soát được thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm. Hiện nay, thị xã đang từng bước xây dựng các làng có nghề chế biển thủy, hải sản, tiến tới xây dựng làng nghề. Sau khi được công nhận làng nghề, thì mới có các cơ chế để xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, lập website để giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng.

Hiện nay, nhiều đội tàu của ngư dân Quỳnh Lập và các xã lân cận đang được đóng mới, công suất lớn, vươn khơi đánh bắt xa bờ, sản lượng cá cơm ngày càng nhiều. Nhưng như đã nói, thương hiệu cá cơm Quỳnh Lập hay cá cơm của một địa danh nào đó thuộc Thị xã Hoàng Mai thì chưa biết đến bao giờ mới có được. Nếu chính quyền địa phương, các doanh nghiệp không nhanh chóng hỗ trợ người dân, thì còn rất lâu nữa thương hiệu cá cơm thơm ngon của vùng biển Nghệ An từng là đặc sản tiến vua mới được mọi người biết đến.

Thuỳ Linh