(Baonghean) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã đạt 9,4 tiêu chí/xã; có 5/20 xã về đích nông thôn mới. Đây là nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp trong việc thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa diện mạo địa phương có nhiều khởi sắc.

Chúng tôi đến Nghĩa Xuân - 1 trong 5 xã của huyện Quỳ Hợp được công nhận xã đạt chuẩn NTM, được đồng chí Thái Bá Lâm - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước đây, Nghĩa Xuân là một xã nghèo. Toàn xã có 15 xóm; 2.245 hộ với 9.837 nhân khẩu. Khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Nghĩa Xuân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt thiếu nguồn lực về mặt bằng và vốn đầu tư xây dựng.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã đã họp bàn và thống nhất quan điểm: Xây dựng NTM phải gắn liền với dân; để dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Theo đó, xã  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân; giúp dân hiểu được ý nghĩa của chương trình… Chỉ sau một thời gian ngắn, với sự quyết tâm và đồng thuận cao, nhân dân xã Nghĩa Xuân đã cùng nhau hợp sức, hợp lực, tự nguyện hiến đất, hiến cây, ủng hộ vật chất, ngày công để xây dựng NTM.

Vườn cam của hộ dân xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp cho thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng. (Ảnh Thu Hương)

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã lồng ghép chương trình  xây dựng NTM với các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao KHKT, công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt; duy trì, mở rộng quy mô các vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo đà cho hàng trăm hộ có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm; hộ khá tăng lên; hộ nghèo giảm còn 6,6%.

Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Quỳ Hợp đã có nhiều nghị quyết, chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển… UBND huyện chỉ đạo sát sao việc thực hiện các tiêu chí NTM tới từng thôn, bản; triển khai thực hiện các chính sách tái cơ cấu nông nghiệp; tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chỉ đạo UBND các xã vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh...

Kết quả, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp đã đóng góp được trên 172 tỷ đồng để xây dựng NTM. Bình quân mỗi xã đạt 9,4 tiêu chí, tăng 1,4 tiêu chí/xã; bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện.

Về lĩnh vực kinh tế gắn với xây dựng NTM, trong năm 2016, huyện đã thành lập thêm 5 HTX và đôn đốc 5 HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012. UBND huyện đã xây dựng và ban hành 3 đề án, gồm “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; “Phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện đến năm 2020; hỗ trợ trồng cỏ và các mô hình chăn nuôi trâu, bò có hiệu quả” và đề án “Tổng thể xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đến năm 2020”. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”, đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.500 ha diện tích trồng cam, với sản lượng bình quân đạt 12.000 tấn/năm.

Mô hình nuôi dê của hộ dân xóm Đồng Hưng, xã NTM Đồng Hợp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. (Ảnh Thu Hương).

Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có hơn 2.400 ha cam, năng suất bình quân đạt 21,5 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 31.150 tấn/năm, thu nhập của người trồng cam đạt từ 500 - 800 triệu đồng/năm. Đề án “Phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện đến năm 2020; hỗ trợ trồng cỏ và các mô hình chăn nuôi trâu, bò có hiệu quả”, phát huy lợi thế từ tự nhiên, đặc biệt là các vùng đồng cỏ, trong những năm qua, huyện Quỳ Hợp chú trọng công tác hỗ trợ sản xuất, nâng cao kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh… giúp bà con yên tâm phát triển, nâng tổng đàn trâu, bò trên toàn huyện đạt hơn 38.000 con. Kết quả, tốc độ tăng trưởng năm 2016 của toàn huyện (tính theo phương pháp mới) ước đạt 7,38%; giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 24,58 triệu đồng/năm.

Về lĩnh vực văn hóa xã hội, năm 2016, huyện Quỳ Hợp có 26.645 gia đình văn hóa (chiếm 85,5%); 228/287 làng văn hóa; 7/21 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; số người đi xuất khẩu lao động toàn huyện là 410 người; tạo việc làm cho 1.500 người, tổ chức đào tạo 6 lớp dạy nghề. Tính đến nay, toàn huyện có 14/21 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế; 48 trường học đạt chuẩn Quốc gia…

Có thể nói, năm 2016, Quỳ Hợp tạo được nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội. Là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XX, Quỳ Hợp ban hành nhiều nghị quyết, Chương trình hành động nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Năm 2016, UBND huyện đã ban hành 12 đề án trên các lĩnh vực để thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Huyện ủy. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, mặc dù là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự vào cuộc tích cực của người dân, huyện Quỳ Hợp đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Thành quả này là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp tiếp tục phấn đấu để lần lượt các xã khác về đích NTM trong những năm tiếp theo n

An Ngọc

TIN LIÊN QUAN