(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020. Với tinh thần quyết tâm cao độ, sau Đại hội, Đảng bộ Nam Đàn đề ra mục tiêu về đích trong năm 2016 này.
Về xã Nam Kim ngày đầu năm mới, bên cạnh những đoạn đường bê tông đã đưa vào sử dụng thì khá nhiều đoạn đang được người dân phát quang cây cối, phá dỡ bờ rào để mở rộng. Ông Phạm Minh Sơn - Trưởng xóm Mảnh San, cho biết: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, người dân được bàn bạc phương thức triển khai, mức huy động đóng góp... Nhờ đó tạo được sự đồng thuận cao. Kết quả từ sau đại hội đến nay, xóm đã tiến hành mở rộng, đổ bê tông được 420m, 650m đường nội xóm cũng đã được giải phóng mặt bằng; người dân đã đóng tiền mua vật liệu, sẵn sàng chờ xi măng hỗ trợ. Tính lũy kế trên địa bàn xóm đã có 1.300 m đường bê tông và sẽ khép kín số km đường còn lại trong thời gian tới. Xóm cũng đã tập trung chỉ đạo 35 hộ gia đình cải tạo vườn tạp để trồng chanh, với hơn 2 ha trồng mới – đây là cây trồng cho hiệu quả nhất ở Nam Kim hiện nay.
Đồng chí Phạm Quyết Thắng – Bí thư Đảng ủy xã Nam Kim, cho biết: Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định sẽ về đích NTM trong năm 2016. Bởi vậy, sau đại hội, đảng ủy xã ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Là xã bán sơn địa, nằm cuối phía nam huyện nhiều khó khăn (tiếp giáp với 2 huyện Hương Sơn và Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), trong khi đó 3 tiêu chí còn lại gồm giao thông, cơ sở vật chất trường học, cơ sở văn hóa chưa đạt đều đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Ban Chấp hành đảng ủy xã đã phân cấp từng đồng chí ủy viên trực tiếp chỉ đạo từng xóm, từng tiêu chí. Đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nội lực của nhân dân, trong đó phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trước hết là của 390 cán bộ, đảng viên, từ việc hiến đất, phá dỡ tường rào, cây cối đến việc đóng góp tiền xây dựng đường giao thông, nâng cấp các nhà văn hóa.
Nhờ đó chỉ sau 7 tháng tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn xã đã huy động được gần 1 tỷ đồng và đã làm 3,5 km đường giao thông nông thôn; đầu tư nâng cấp 4 nhà văn hóa đạt chuẩn. Địa phương cũng đã tranh thủ được nguồn hỗ trợ, cộng với nội lực để hoàn thiện 8 phòng học mới cho trường tiểu học và đang tiếp tục triển khai xây thêm 8 phòng, đảm bảo điều kiện công nhận đạt chuẩn. Đồng thời tích cực vận động, tìm nguồn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng học 2 trường THCS và mầm non.
Bí thư Đảng ủy Phạm Quyết Thắng, cho biết thêm, địa phương cũng tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế vườn đồi, trong đó trọng điểm là mở rộng diện tích cây chanh, nâng cao giá trị thu nhập bền vững. Hiện toàn xã có 180 ha chanh kinh doanh, bình quân mỗi ha cho thu nhập 110 triệu đồng/năm. Có nhiều hộ có thu nhập cao từ cây chanh như hộ ông Đặng Hoài Nam ở xóm Khe Lau, với khoảng 300 gốc, thu nhập 120 triệu đồng/năm; hay hộ bà Nguyễn Thị Vinh, xóm Động Dài, với 100 gốc thu nhập 50 triệu đồng/năm. Phát triển chăn nuôi bò lai sind sinh sản; chăn nuôi tổng hợp, lợn, gà, vịt, cá và trang trại vườn đồi kết hợp chăn nuôi bò.
Xã Nam Nghĩa có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ - thương mại. Sau Đại hội Đảng bộ xã, đảng ủy đã tập trung với bước đi nhanh hơn trong xây dựng NTM. Và tin vui, Nam Nghĩa vừa được công nhận hoàn thành chương trình NTM và sẽ tổ chức đón nhận vào một ngày đầu năm mới này.
Theo đồng chí Nguyễn Hải Hòa – Bí thư Đảng ủy xã, bài học kinh nghiệm là dựa vào sức dân là chính, lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân. Muốn làm được điều này thì phương châm làm việc của cán bộ xã, xóm là “đến từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng nhân khẩu” để vận động, thuyết phục, gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ. Nói là vậy, nhưng để dân tin, dân theo thì cán bộ cũng phải thật sự trăn trở chăm lo cuộc sống cho dân, nói đi đôi với làm. Bởi vậy, song song với chỉ đạo xây dựng NTM, đảng ủy xã chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích trồng lúa cao cưỡng sang trồng hoa lý, rau ngót, đậu cô ve và rau màu các loại, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Đầu tư nâng cấp chợ, đảm bảo cho nhân dân buôn bán, trao đổi hàng hóa, nhất là góp phần quảng bá thương hiệu thịt me Nam Nghĩa; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và tạo mọi điều kiện để người dân xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập...
Đồng chí Vương Hồng Thái – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn, khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra mục tiêu đạt chuẩn NTM trước năm 2020. Tuy nhiên, sau đại hội, với tinh thần quyết tâm cao của huyện được chọn làm điểm nông thôn mới, cả hệ thống chính trị đang tập trung cao độ, phấn đấu về đích cuối năm 2016 này. Theo đó, huyện đã tiến hành rà soát tiến độ cũng như kết quả, tiềm năng xây dựng NTM ở các xã, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, lộ trình xây dựng NTM cho các xã. Huyện đã ban hành riêng chính sách hỗ trợ xây dựng NTM như hỗ trợ thêm 200 – 250 tấn xi măng (tùy theo điều kiện của từng xã); hỗ trợ để lại 50% tiền cấp quyền sử dụng đất thuộc phần điều tiết của huyện cho các xã xây dựng NTM.
Kết thúc năm 2015, Nam Đàn có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt lên 9 xã. Hiện tại, toàn huyện đang còn 13 xã, trong đó có 10 xã sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để về đích trong năm 2016, đảm bảo toàn huyện có trên 75% số xã đạt chuẩn NTM và được công nhận huyện NTM vào cuối năm nay. Thời gian tới, đồng thời với việc chỉ đạo ở các xã chưa về đích, huyện tiếp tục chỉ đạo nâng chất lượng các tiêu chuẩn ở các xã đã được công nhận; tiến hành thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo việc xây dựng NTM bền vững; xây dựng xã Kim Liên trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫũ
MAI HOA