(Baonghean) - Việc cưới hỏi ở nước ta đã trở thành một tập tục từ rất lâu đời. Tuy vậy, tuỳ theo từng giai đoạn, từng địa phương mà quy mô, cách thức tổ chức một đám cưới có sự khác nhau. Sắp tới, vào ngày 8/10/2011, tại khối 1, phường Lê Lợi (thành phố Vinh) sẽ tổ chức một đám cưới “mẫu”. 
 
Tổ chức đám cưới hiện nay ở Vinh rất đa dạng, tuỳ theo quan niệm, túi tiền, địa vị, học thức và cả “lực hút” của thói quen thị thành khó cưỡng nổi. Tất cả dẫn đến sự tốn kém và phân tâm. Những người hoạt động văn hoá từ trung ương đến cơ sở đã có nhiều trăn trở. Từ đầu năm 2011, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch có Thông tư quy định cụ thể về việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, trên tinh thần toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Được biết năm 2011, trong số 8 mô hình tỉnh Nghệ An chọn để xây dựng thì Trung tâm Văn hoá Thành phố Vinh đảm nhận 2 mô hình, đấy là mô hình cưới hỏi và mô hình xây dựng thiết chế văn hoá, thông tin, thể thao đạt chuẩn quốc gia. 

768810_small_66591.jpg

                                 “Hạnh phúc”- Tranh Làng Hồ

Tôi tìm gặp chị Trần Thị Mỹ Hạnh, cán bộ phụ trách Nếp sống văn hoá thuộc Tổ văn hoá-văn nghệ của Trung tâm Văn hoá Thành phố Vinh. Khi hỏi về tiêu chí để xây dựng mô hình đám cưới, chị Hạnh cho biết: Đám cưới phải được tổ chức tại nhà văn hoá khối, xóm và đồng chí phó chủ tịch phụ trách văn xã sẽ trao giấy kết hôn cho đôi tân hôn. Trong tổ chức, phường còn chuẩn bị trước khâu loa máy, điện, an ninh trật tự… Công việc của Trung tâm Văn hoá thành phố thì “nặng gánh” hơn, gồm kịch bản lễ cưới, trang trí, dẫn chương trình, văn nghệ… Quy ra tiền, Trung tâm chi phí mỗi đám từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Nếu làm tốt những yêu cầu vừa nêu, sẽ chấm dứt tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường, mở loa đài quá to ngoài giờ quy định, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan, vệ sinh môi trường đô thị.

Từ năm 2008, phường Lê Lợi đã được Phòng Văn hoá và Trung tâm Văn hoá Thành phố Vinh chọn để tiến hành khảo sát, xây dựng mô hình đám cưới tại nhà văn hoá khối. Thời gian qua, tại đây, cấp uỷ và chính quyền đã huy động hệ thống chính trị - xã hội từ phường xuống các khối phố để tìm ra nhiều giải pháp phù hợp thực hiện việc cưới theo nếp sống mới. Kết quả, đã có 80% cặp cưới tại nhà văn hoá khối, 15% tổ chức tại đất trống, và 5%  tại gia đình. Theo kế hoạch, sắp tới vào ngày 8/10/2011, tại khối 1, phường Lê Lợi sẽ tổ chức một đám cưới “mẫu”. Qua đám cưới thí điểm này, Phòng Văn hoá và Trung tâm Văn hoá thành phố cùng UBND phường sở tại sẽ nghiệm thu, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
 
Từ xây dựng mô hình, tổ chức thí điểm đến hoàn thiện tổ chức đám cưới và áp dụng phổ biến vào cuộc sống là cả một quá trình chưa có hồi kết. Để tổ chức đám cưới tại Nhà văn hoá khối xóm vào cuối năm 2011 như kế hoạch nêu ra, đòi hỏi các cấp các ngành, nhất là UBND Thành phố Vinh và Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An phải vào cuộc thực sự, đầu tư cả về tinh thần lẫn vật chất. Mô hình cưới nếp sống mới một khi đã đi vào cuộc sống, còn cần được tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có sự gương mẫu của cán bộ các cấp, sự ủng hộ rộng rãi của người dân thực hiện nghiêm túc Quy định của Bộ về thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới.


Kim Hùng