Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu. Dự hội nghị còn có đại biểu các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã biên giới ven biển của tỉnh; các đơn vị BĐBP trên 2 tuyến biên giới.
Pháp lệnh BĐBP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 28/3/1997, có hiệu lực từ ngày 7/4/1997. Qua 20 năm thi hành Pháp lệnh là căn cứ pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, các tỉnh, thành có biên giới và lực lượng BĐBP thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Pháp lệnh. Qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tại Nghệ An, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, nhân dân và LLVT tỉnh đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; các Luật của Quốc hội, Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ và các Thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… liên quan đến Pháp lệnh BĐBP. Qua đó, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh trật tự (ANTT) ở khu vực biên giới (KVBG).
Đặc biệt, hoạt động kết nghĩa thôn - bản; đồn - trạm BP hai bên biên giới đất liền giữa tỉnh Nghệ An, nước CHXHCN Việt Nam với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxây nước CHDCND Lào. Đến nay đã có 19 cặp Bản - Bản; có 8 đồn BP của tỉnh Nghệ An kết nghĩa với 7 Đại đội BP, 1 đồn Công an của Lào; các hoạt động kết nghĩa đi vào hoạt động có hiệu quả. Đến nay, đa số nhân dân trên khu vực biên giới nhận thức về chủ quyền lãnh thổ tốt, có trách nhiệm bảo vệ biên giới và tố giác tội phạm.
Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội của BĐBP tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, sau 20 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh còn bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Từ năm 1997 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Chiến lược bảo vệ BGQG”... Pháp lệnh BĐBP chưa thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, quan điểm, tư duy đó.
Mặt khác, Pháp lệnh BĐBP chưa luật hóa chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ, biện pháp Biên phòng; cơ chế tài chính và các hình thức quản lý, bảo vệ BGQG; chưa luật hóa tổ chức của lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ Biên phòng và quản lý Nhà nước về công tác Biên phòng; chưa luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, vì Pháp lệnh có những quy định tác động, hạn chế đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, các nội dung này cần được quy định trong Luật.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh BĐBP ban hành từ năm 1997 nên hình thức, bố cục không phù hợp so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nội dung, một số thuật ngữ trong Pháp lệnh BĐBP không còn phù hợp với thuật ngữ trong các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan, như Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Quốc phòng...
Kết luận hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng thành Quân chủng Biên phòng; Đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Biên phòng thay cho Pháp lệnh hiện nay, để phù hợp với vị trí chiến lược, chức năng, nhiệm vụ xây dựng, quản lý bảo vệ chủ quyền An ninh biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 cá nhân, Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho 1 tập thể của tỉnh Nghệ An có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh Bộ đội biên phòng.