Kính thiên văn lớn nhất thế giới GMT đang được xây dựng tại sa mạc Atamaca, Chile, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024.
 
images1409996_3.jpgẢnh minh họa.
"Một khối lượng công việc lớn của giai đoạn thiết kế đã được hoàn thiện, bao gồm cả phát triển các tấm gương khổng lồ, phần quan trọng nhất của kính thiên văn. Các rủi ro lớn nhất về mặt kỹ thuật đã được giải quyết, chúng tôi đang chờ đến giai đoạn vận chuyển các bộ phận của kính lên đỉnh núi", Patrick McCarthy, Phó Chủ tịch của tập đoàn GMT, chịu trách nhiệm về dự án này, cho biết.
 
Do có các ưu điểm bầu trời tối, quang đãng, ít mưa (lượng mưa chỉ 5 mm một năm), đài quan sát Las Campanas ở sa mạc Atacama được chọn làm nơi đặt kính. GMT sẽ có 7 gương sơ cấp rộng hơn 8 mét với đường kính 26 mét. Kính thiên văn lớn nhất hiện nay là Gran Telescopio Canarias, với đường kính gương hơn 10 mét.
 
"Nếu theo dõi lịch sử phát triển 400 năm của kính thiên văn, từ cái đầu tiên của Galileo, bạn sẽ thấy cứ khoảng 30 – 40 năm, kích thước của kính lại tăng gấp đôi", McCarthy nói.
 
Công nghệ "thích nghi quang học" (Adaptive Optics) sẽ giúp các nhà thiên văn có thể thay đổi hình dạng của các gương để bù trừ cho sự biến dạng gây ra bởi khí quyển Trái Đất, giống quá trình khử nhiễu ở microphone, theo NBC News.
 
GMT sẽ giúp các nhà khoa học quan sát các hành tinh quay quanh các ngôi sao khác ngoài Mặt Trời, chứng kiến sự hình thành của các thiên hà và các ngôi sao, nghiên cứu sâu hơn về vật chất và năng lượng tối, chụp các bức ảnh ở một số bước sóng với độ phân giải cao hơn 10 lần kính thiên văn Hubble.
 
11 nhà sáng lập quốc tế cam kết tài trợ 500 triệu USD cho dự án, từ các nước Mỹ, Australia, Brazil, Hàn Quốc và nước chủ nhà Chile.
 
Theo VnExpress