Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng

Yên Thành là vùng đất có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng; mang đậm dấu ấn lịch sử. Từ ngày có Đảng, Yên Thành là một trong những địa chỉ đỏ của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931; là nơi vinh dự được Bác Hồ về thăm vào tháng 12/1961. Nơi đây có “sông Dinh, rú Gám cảnh thần tiên”, có đền Đức Hoàng thờ Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, có nhà thờ đá Bảo Nham,…

bna_song_dinh__ru_gam_anh_sach_nguyen4076548_1122020.jpgMột vùng quê Yên Thành. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Quê hương Yên Thành tự hào là nơi sinh ra  nhiều danh nhân tiêu biểu như: Trạng nguyên Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành; các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Trần Can, Phan Tư, Trần Văn Trí, Phan Văn Quý, Phan Kim Kỳ, Phạm Xuân Phong và Anh hùng Lao động Nguyễn Toản. Đặc biệt trong đó nổi lên nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu Phan Đăng Lưu.

Đồng chí Phan Đăng Lưu là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn và một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của Phan Đăng Lưu mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, biết ơn, học tập và noi theo.

Phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của quê hương nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, với sự đoàn kết, quyết tâm cao độ, Yên Thành đã phát triển vững mạnh toàn diện gắn với hoàn thiện các thiết chế văn hóa, lịch sử và nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong tình hình mới.

Về lĩnh vực phát triển kinh tế, Yên Thành luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách hàng năm vượt chỉ tiêu, đứng trong tốp đầu của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,58%. Nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, bền vững; Diện mạo nông thôn mới khởi sắc rõ nét, nổi bật là năm 2019, huyện Yên Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Khu công nghiệp Thị trấn Yên Thành. Ảnh tư liệu: Thái Dương

Và hiện nay, Yên Thành đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Năm 2021 đã có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Công nghiệp - xây dựng phát triển khá; Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển đột phá, nhiều dự án, công trình được thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh. Từ hạt giống đỏ đầu tiên do đồng chí Phan Đăng Lưu bồi dưỡng, giáo dục, đến nay Đảng bộ huyện Yên Thành đã phát triển thành một Đảng bộ lớn với hơn 12.500 đảng viên sinh hoạt tại 79 tổ chức cơ sở Đảng (trong đó 39 đảng bộ xã, thị trấn).

Những năm qua, Yên Thành quan tâm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng từ huyện đến cơ sở. Thực hành dân chủ, luôn giữ mối quan hệ mật thiết hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí... góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Tượng đài đồng chí Phan Đăng Lưu tại thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành). Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, Yên Thành đặc biệt chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa, lịch sử và nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong tình hình mới. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện Yên Thành tăng cường chỉ đạo xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa.

Hiện 100% xóm, khối trên địa bàn toàn huyện có quy hoạch nhà văn hóa - thể thao (338/338 xóm, khối); 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa trung tâm (39 nhà văn hóa trung tâm); 100% xã, thị trấn có sân vận động (39 sân vận động cấp xã); các trang thiết bị trong các nhà văn hóa xóm, xã cơ bản được trang bị; tỷ lệ thu hút nhân dân đến tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các buổi sinh hoạt cộng đồng khác đạt trên 50%; cả 100% xã, thị trấn có trạm truyền thanh, 100% xóm có cụm loa FM. Hàng năm, Sở Văn hóa Thể thao đã phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin huyện hỗ trợ xã, xóm các trang thiết bị nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở...

Bên cạnh đó huyện cũng quan tâm đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, qua kiểm kê Yên Thành có hơn 500 di tích lịch sử, trong đó có 91 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia, Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu là di tích đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia từ năm 1990.

Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành, Yên Thành. Ảnh tư liệu: Võ Đức

Khơi dậy niềm tự hào trên quê hương đồng chí Phan Đăng Lưu

Trên lĩnh vực giáo dục chính trị, tư tưởng, mỗi chặng đường phát triển của Đảng bộ và nhân dân Yên Thành từ khi có Đảng đều có dấu ấn của đồng chí Phan Đăng Lưu. Huyện đã xây dựng hai ngôi trường mang tên Phan Đăng Lưu đó là Trường THPT Phan Đăng Lưu từ năm 1985 và Trường THCS Phan Đăng Lưu từ năm 2008. Hàng năm các trường học đều tổ chức cho học sinh hoạt động về nguồn, thăm quan các di tích lịch sử; lồng ghép lịch sử địa phương vào chương trình dạy học. Năm 2012, huyện đã đầu tư xây dựng Tượng đài Phan Đăng Lưu và Quảng trường trung tâm tại thị trấn Yên Thành. Nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của Nhân dân.

Năm nay nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu, huyện đã phối hợp trùng tu, tôn tạo Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ như: Cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu trong đoàn viên, thanh thiếu niên và học sinh; kết nạp 120 đoàn viên ưu tú; mời PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ quán triệt, tuyên truyền chuyên đề về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện; phối hợp xây dựng phim tài liệu về đồng chí Phan Đăng Lưu; tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại mộ đồng chí Phan Đăng Lưu tại TP. Hồ Chí Minh và tại Nhà lưu niệm ở xã Hoa Thành (Yên Thành); tham gia Hội thảo khoa học cấp quốc gia về đồng chí Phan Đăng Lưu; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tổ chức buổi diễn vở kịch hát dân ca “Hừng Đông”,...

Những hoạt động trên đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Một góc thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Thành Cường

Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương Phan Đăng Lưu, tin tưởng rằng, Đảng bộ và Nhân dân Yên Thành sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, xây dựng Yên Thành ngày càng giàu đẹp, văn minh./.