(Baonghean) - Năm 2002, Nam Đàn cùng với Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Quỳ Hợp và Thị xã Cửa Lò được chọn xây dựng huyện điểm văn hóa.  Sau 12 năm thực hiện đề án, nhiều địa phương trong huyện đã có cách làm hay để nâng cao đời sống văn hóa cơ sở.

Một trong những điển hình là xã Nam Cát, vùng đất chiêm trũng của Nam Đàn. Những năm trước đây, Nam Cát đường sá lầy lội, đời sống nhân dân hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn. Để phát triển đời sống văn hóa địa phương, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng các chính sách phát triển kinh tế văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo để nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.

Theo đó, xã Nam Cát đã tạo điều kiện, động viên khuyến khích nhân dân mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chú trọng hướng xuất khẩu lao động. Đến nay cả xã có trên 500 người đang làm việc tại nước ngoài, mỗi xóm đều có 5-7 tổ thợ xây dựng, mộc. Kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới: Nhà cao tầng san sát, 100% đường nội xóm, nội xã được bê tông hóa kiên cố, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khoảng trên 10%, thu nhập bình quân đầu người  đạt trên 25 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất phát triển, việc nâng cao đời sống tinh thần trở thành một nhu cầu bức thiết của nhân dân; các chủ trương xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư đều được nhân dân chấp hành, hưởng ứng tích cực. Ông Tạ Quang Phương, người dân xóm Thọ Mới chia sẻ: “Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển tạo nên sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, xóa được tư tưởng hẹp hòi níu kéo. Dần dần mọi người đều ý thức được việc xây dựng nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh, đóng góp làm đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa chính là làm cho mình”.

Trao đổi với ông Đoàn Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cát được biết: Sau khi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng huyện điểm văn hóa, xã đã có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể để phát triển kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nhất là các thiết chế ở cơ sở gần dân, để nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa tại chỗ theo hướng xã hội hóa. 5 năm qua, bằng nguồn lực đóng góp của nhân dân, xã đã bê tông hóa toàn bộ tuyến đường nội xã, làm mới 9/12 nhà văn hóa, xây mới 3 trường học trên địa bàn, lắp điện sáng tất cả các xóm. Trong năm 2014, người dân Nam Cát tiếp tục đóng góp để nâng cấp 3 nhà văn hóa xóm và 1 nhà văn hóa xã, trị giá gần 4 tỷ đồng… 12 xóm có 12 đội văn nghệ, thể thao. Hai năm liền, Nam Cát đều là xã dẫn đầu, giành giải cao ở Liên hoan Tiếng hát Làng Sen của huyện. Năm 2013 có 10/12 xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa, tỷ lệ Gia đình Văn hóa đạt 84%. Mọi người dân trong xã đều ý thức tốt về việc cống hiến cho sự phát triển chung.

Nhà Văn hóa xã Nam Thượng được xây dựng khang trang. Ảnh: Xuân Tám

Xây dựng huyện điểm văn hóa, Nam Đàn đã thực sự chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống, lựa chọn những yếu tố văn hóa tiên tiến phù hợp với địa phương để vận dụng thực hiện. Tại xã Kim Liên, vấn đề phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng “con người mới” được quan tâm thực hiện. Cụ thể là: Hát dân ca, ví dặm đã được các trường học trên địa bàn đưa vào chương trình dạy học từ 10 năm nay. Cô Nguyễn Thị Tứ, Hiệu trưởng Trường THCS Làng Sen cho biết: “Ở Kim Liên, cả 5 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều chú trọng việc dạy cho các em hát dân ca ví, dặm, xây dựng cho các em ý thức bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể này. Tại Trường Trung học cơ sở, các buổi dạy hát thường được lồng ghép với việc hoạt động trò chơi dân gian, hoạt động Đội, các cuộc thi văn nghệ. Hát dân ca, ví, dặm đã trở thành một tiêu chí thi đua “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đưa dân ca vào trường học chỉ một trong số rất nhiều nội dung “xây dựng phát triển đời sống văn hóa huyện Nam Đàn” và “con người Nam Đàn”. Hàng năm, Kim Liên đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, trên địa bàn xã có khá nhiều người dân kinh doanh, dịch vụ. Và đâu đó có thể không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Khắc phục điều này, thời gian qua, xã đã kiên trì thực hiện đề án giáo dục truyền thống đạo đức cho tất cả người dân. Qua đó, ý thức giao tiếp, gìn giữ vệ sinh, xây dựng đời sống văn hóa văn minh đã có những bước thay đổi tích cực. Các cuộc vận động, phát động đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ và thực hiện tốt. Đón khách về thăm quê Bác, người dân ai cũng phấn khởi, ra sức giữ gìn nếp sống, phẩm chất của con người Làng Sen – Hoàng Trù thanh bạch, để lại thiện cảm của du khách khi đến đây.

Kinh nghiệm xây dựng huyện điểm văn hóa của Nam Đàn không ngoài việc xây dựng tốt đời sống văn hóa từ mỗi gia đình, đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Các tiêu chí huyện điểm văn hóa đều hướng vào mục đích nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phù hợp với điều kiện của từng cơ sở xã, phường, làng, thôn, ấp, bản để nhân dân có trách nhiệm và khả năng thực hiện. Ông Hồ Quang Mai, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đàn cho hay: Hiện tại, huyện đang tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn mới. Trong đó chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần chủ động của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong phát triển văn hóa nông thôn. Huy động tối đa nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa thể thao ở địa phương. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi, giải trí. Tăng cường chỉ đạo 7 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung 3 xã điểm là Nam Anh, Kim Liên và Nam Trung… Tin tưởng rằng với những quyết tâm đó, thời gian tới, Nam Đàn sẽ là huyện điểm văn hóa kiểu mẫu của tỉnh và của cả nước.

Thanh Sơn