(Baonghean) - Theo lộ trình, đến năm 2018, tỉnh Nghệ An sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.
 
images1593763_m__h_nh_m_t_c_a___s__kh_t_cung_c_p_d_ch_v__c_ng_c_p____4_576b42ee7e51e.jpgMô hình một cửa ở Sở KHĐT cung cấp dịch vụ công cấp độ 4.

Mức độ sẵn sàng CNTT cao

P.V: Ngày 14/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khả thi trong giai đoạn 2015 - 2017 nhằm sớm xây dựng thành công Chính phủ điện tử của Việt Nam. Với chủ trương trên, để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Về chủ trương triển khai Chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng Nghị Quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 -  2015 và định hướng đến năm 2020, quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh, Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An”, Đề án Ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý ngành Y tế tỉnh Nghệ An (giai đoạn 2014 - 2017 có tính đến năm 2020).
 
Để xây dựng chính quyền điện tử, cụ thể hóa những chủ trương trên, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng tại các đơn vị đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:
 
Về hạ tầng kỹ thuật, đến nay 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đều đã có kết nối diện rộng (WAN) và internet. Hợp tác với Tập đoàn VNPT trong việc cung cấp trung tâm tích hợp dữ liệu để triển khai các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.
 
Tỷ lệ cán bộ, công chức được sử dụng máy tính, internet trong các sở, ban, ngành đạt 100%. Hệ thống cáp quang, thông tin di động phục vụ truyền dẫn đã kết nối đến 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và 100% các xã.
 
Đối với đội ngũ nhân lực trong các cơ quan Nhà nước hiện nay, 97% cán bộ công chức, viên chức của tỉnh biết sử dụng máy tính trong công việc.
 
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nghệ An quyết tâm đẩy mạnh xây dụng chính quyền điện tử để phục vụ người dân tốt hơn.
100% cơ quan Nhà nước cấp sở, ngành, huyện có cán bộ công chức biết sử dụng công nghệ thông tin; 89% đơn vị sở, ngành và 90% đơn vị cấp huyện có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; 72% đơn vị sở, ngành và 90% đơn vị cấp huyện có cán bộ lãnh đạo CNTT.
 
Về ứng dụng, hiện nay 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị đã triển khai ứng dụng các phần mềm chuyên ngành khác nhau. 100% các cơ quan Nhà nước trong tỉnh đã được cấp hộp thư công vụ đầu mối để trao đổi thông tin.
 
Hệ thống giao ban điện tử trực tuyến được triển khai kết nối 24 điểm cầu; cổng TTĐT đã được xây dựng, lượng truy cập tương đối lớn, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin hoạt động của lãnh đạo tỉnh và các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
 
Bên cạnh đó, tỉnh đang quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành tiếp nhận và ứng dụng phần mềm HCM Egov Framework 2.0 do thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, chuyển giao. Dự kiến theo kế hoạch đến ngày 1/1/2017 sẽ tổ chức vận hành chính thức hệ thống tại 100% đơn vị hành chính cấp sở, huyện trên địa bàn tỉnh đảm bảo liên thông 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã).

Liên thông văn bản điện tử 4 cấp

P.V: Hệ thống phần mềm HCM Egov Framework 2.0 được Nghệ An lựa chọn để triển khai thí điểm vận hành chính quyền điện tử. Xin đồng chí cho biết thêm về ưu điểm của hệ thống này và khả năng đáp ứng yêu cầu trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh Nghệ An?

Đồng chí Lê Ngọc Hoa:  Hệ thống HCM Egov Framework 2.0 là hệ thống phần mềm được xây dựng trên nền tảng phần mềm nguồn mở, với phần mềm lõi cung cấp một môi trường và các công cụ hỗ trợ việc xây dựng phát triển các ứng dụng.
 
Đây là hệ thống phần mềm đa phân hệ (module), khả năng đáp ứng tổng thể kiến trúc CNTT cho các cấp tỉnh/thành phố, cấp sở, ban, ngành; cấp quận huyện/thị xã đến phường/xã, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm thử, đáp ứng các yêu cầu chức năng và kỹ thuật đối với các phần mềm dùng chung trong các cơ quan Nhà nước. 
 
Mô hình tổng thể các lớp trong Hệ thống Phần mềm Lõi
 
Hơn nữa, hệ thống có tính năng mở, với nhiều phân hệ đa dạng, khi triển khai sẽ giúp cán bộ, công chức có thể xử lý công việc tập trung, tại một điểm truy cập thống nhất, tiết kiệm được chi phí cài đặt, vận hành, hiệu quả hơn so với việc triển khai riêng lẻ các phần mềm.
 
Hệ thống có nhiều công cụ giúp lãnh đạo đơn vị có thể kiểm tra, giám sát về tiến độ, chất lượng và quá trình tham mưu xử lý văn bản của từng cán bộ, chuyên viên; vận hành trên nhiều thiết bị khác nhau, đặc biệt là các thiết bị cầm tay thông minh (như máy tính bảng, điện thoại di động thông minh...) nên rất thuận tiện cho cán bộ công chức, lãnh đạo có thể xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, nhờ việc triển khai hệ thống đã giúp chuyển nhận văn bản điện tử theo mô hình bốn cấp từ trung ương, đến tỉnh, huyện, xã.
 
Trong năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành cài đặt, đào tạo chuyển giao tại 6 đơn vị thí điểm. Hầu hết các đơn vị đã rất tích cực, chủ động, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai hệ thống.
 
Tất cả các nội dung thông tin đều được kiểm soát, điều hành và xử lý qua điện thoại. Ảnh: Việt Hùng.
 
Về cơ bản, phân hệ quản lý văn bản hồ sơ công việc và lịch công tác đã được các đơn vị tiếp nhận, vận hành ổn định, phát huy hiệu quả tốt, với lượng khá lớn văn bản đã cập nhật và điều hành trên hệ thống. Hiện nay, hệ thống đã kết nối, liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ.
 
P.V:Thưa đồng chí! Theo lộ trình, đến năm 2018, tỉnh Nghệ An sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh. Đặc biệt từ đến ngày 1/1/2017 sẽ tổ chức vận hành chính thức hệ thống HCM Egov Framework 2.0 tại 100% đơn vị hành chính cấp sở, huyện trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này tỉnh đã có những giải pháp nào?
 
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử thể hiện quyết tâm của tỉnh về nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành của cơ quan Nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. 
 
Để đạt được mục đích này, UBND tỉnh đã đưa ra các mục tiêu rõ ràng và giao các chương trình, dự án cụ thể cho từng ngành chịu trách nhiệm thực hiện. Trước mắt, trong năm 2016 tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để triển khai thành công hệ thống HCM Egov Framework 2.0 trong các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.
 
Bên cạnh đó là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, truyền thông và tập huấn về Chính quyền điện tử cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ thực hiện đầu tư xây dựng, sớm cung cấp các dịch vụ hành chính công điện tử trực tuyến mức độ cao trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An.
 
Đồng thời, xây dựng và ban hành các quy định, chính sách về phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin làm cơ sở triển khai từng thành phần trong đề án.
 
Hệ thống Phần mềm HCM Egov Framework 2.0 được ứng dụng ở Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.
 
Riêng đối với việc triển khai hệ thống HCM Egov Framework 2.0, hiện nay UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo một số nội dung quan trọng sau:
 
Thứ nhất: Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đơn vị sản xuất phần mềm để tiến hành khảo sát, hiệu chỉnh, nâng cấp phần mềm đảm bảo đáp ứng nhu cầu ứng dụng trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh theo các mô hình: Văn phòng UBND tỉnh; cấp sở, ngành; cấp huyện/thành phố/thị xã và cấp xã/phường/thị trấn.
 
Thứ hai: Ký kết hợp tác với Tập đoàn VNPT để chuẩn bị điều kiện về trung tâm tích hợp dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ vận hành hệ thống.
 
Thứ ba: Ban hành các văn bản: quy chế quản lý vận hành, sử dụng và các quy định về chế độ tài chính đảm bảo duy trì hệ thống hàng năm trước khi đưa hệ thống vào vận hành chính thức trong toàn tỉnh trước ngày 1/1/2017.
 
Thứ tư: Bổ sung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cho Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ hỗ trợ kỹ thuật vận hành hệ thống. Quan tâm, động viên các cán bộ chuyên trách CNTT làm việc trong các cơ quan Nhà nước (thông qua chế độ ưu đãi thu nhập hàng tháng cho cán bộ).
 
Thứ năm: Kịp thời bố trí kinh phí để triển khai nhiệm vụ.
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!