Kiếm bộn tiền chỉ nhờ một bài hát ăn khách
Mới đây, trò chuyện trên truyền hình, Vĩnh Thuyên Kim cho biết, thời bài “Vọng cổ teen” trở thành “hiện tượng”, cô đắt “sô” tới mức phải truyền nước biển mỗi ngày. Thậm chí, mỗi lần đáp máy bay xuống, cô phải lập tức tìm chỗ truyền nước biển vì quá mệt.
“Nhưng đó cũng là thời gian tôi hạnh phúc nhất. Nhiều đêm đi hát hội chợ, tôi đứng trên sân khấu những 10 ngàn người xem, còn những anh chị nghệ sĩ lớn thì khoảng 15 đến 20 ngàn người. Khán giả không những đông mà còn nhiệt tình, tạo cho tôi có thêm tinh thần, thêm lửa để hát. Có những lúc, tôi nhận một đêm những 11 điểm diễn, đi hát liên tục.
Vì hát nhiều như thế nên tôi không giao lưu được với khán giả, MC giới thiệu một cái là tôi lao lên hát, hát xong là phải lao xuống, nói chuyện nhanh chóng như cái máy rồi đi xuống.
Trong đầu tôi cứ nghĩ là mình còn những gần chục “sô” liền nên vội vội vàng vàng. Vì có nhiều “sô” trong một thời điểm như thế nên tôi có tiền mua được nhà. Tính đến giờ, tôi phải đổi tới hơn 10 đời xe các loại”, Vĩnh Thuyên Kim tiết lộ.
Ca sĩ Duy Mạnh cũng kể, trước khi trở thành một cái tên “hot” gắn liền với ca khúc “Kiếp đỏ đen”, anh đi diễn tại các phòng trà ở Sài Gòn chỉ được trả cát-sê 80 nghìn đến 100 nghìn đồng. Và khi phát hành album có ca khúc “Kiếp đỏ đen” ra đời thì cuộc đời anh đã đổi khác. Chỉ sau vài tháng phát hành, cát-sê của anh tăng lên đúng 1000 lần so với trước đây.
“Có thời điểm tôi kiếm được 100 triệu đồng trong một đêm đi hát. Một trong những điều làm tôi thay đổi nhiều nhất là tiền bạc và danh vọng đến với mình quá đột ngột. Lúc đó tôi 30 tuổi, đã có gia đình, dù mất kiểm soát nhưng vẫn nghĩ về gia đình rất nhiều. Trong cuộc sống, những thứ làm mình thay đổi đó là cảm xúc liên quan giữa tình và tiền”, Duy Mạnh cho biết.
Ca sĩ Lam Trường tiết lộ, anh có khá nhiều kỷ niệm khó quên với những sản phẩm đầu tiên trong cuộc đời đi hát của mình, một trong số đó là ca khúc “Xin đừng hỏi”. Năm 1996, anh kiếm được hợp đồng với số tiền lên đến 20 triệu đồng. 20 triệu đồng thời điểm đó thực sự là một con số lớn khủng khiếp đối với một ca sĩ trẻ như anh.
Cụ thể, có thể so sánh số tiền này với chiếc xe thời thượng và đắt giá nhất của những năm 1990 là Dream II nhập từ Thái Lan có giá chưa tới 20 triệu đồng. Dream II là một tài sản lớn (giá trị hàng chục cây vàng - tương đương một mảnh đất) mà chỉ các “đại gia” mới có tiền để sắm và được xem như cách thể hiện sự giàu có, quyền lực. Đến bây giờ, Lam Trường vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng khi kiếm được số tiền lớn như vậy.
Cuộc đua tạo ca khúc “hit” để thành sao?
Ngày nay, dù chuyện ca sĩ kiếm bộn tiền nhờ một ca khúc đã “biến hóa khôn lường” hơn trước nhưng chuyện có nhiều ca khúc đã góp phần đưa các ca sĩ từ “bóng tối” ra “ánh sáng” thì vẫn nguyên. Trường hợp như của Only C là một ví dụ điển hình.
Anh chàng này trước khi được biết đến với bản “Anh không đòi quà” vẫn đang là một nhà sản xuất âm nhạc và thời gian làm việc chủ yếu ở phòng thu. Khi ca khúc này ra đời, thời gian OnlyC dành cho phòng thu không còn nhiều như trước nữa vì bận rộn với các lịch diễn, quay phim và chụp ảnh...
Ngay cả bản thân Sơn Tùng MTP trước khi trở thành một “hiện tượng” trong làng nhạc như bây giờ cũng từng xuất hiện nhiều nơi nhưng không mấy người quan tâm. Thậm chí, giọng ca gốc Thái Bình còn thường xuyên lê la cà phê vỉa hè, xem phim, ăn vặt... nhưng cũng chẳng khiến nhiều người tò mò.
Chỉ đến năm 2014, khi “Em của ngày hôm qua” làm mưa làm gió trên các trang nghe nhạc trực tuyến và lập kỷ lục về lượt nghe thì Sơn Tùng đã nghiễm nhiên trở thành một cái tên bùng nổ. Bây giờ, mời Sơn Tùng đi hát hay dự sự kiện không còn dễ dàng như trước. Chưa kể đến mức cát-sê đã tăng gấp mấy chục lần.
Trước Sơn Tùng, những ca sĩ trẻ như Yanbi - Mr. T, Justatee, Bích Phương Idol... cũng đổi đời nhờ sở hữu một bản nhạc ăn khách. Thậm chí, chuyện tạo ca khúc “hit” để một bước thành sao hoặc thay đổi cuộc đời đang là mục tiêu của phần đa ca sĩ trẻ. Bởi có ca khúc nổi tiếng, các ca sĩ không chỉ có nhiều lời mời biểu diễn hơn, có cớ để tăng cát – sê mà còn dễ dàng hơn trong việc thực hiện các dự án âm nhạc.
NSND Thanh Hoa từng chia sẻ, thời của bà hát chỉ là hát thôi, không bao giờ có bất cứ một sự tính toán nào khi đến với nghệ thuật. Việc nổi tiếng hay gắn tên tuổi với một bài hát nào đó là hoàn toàn trời cho. Nay thì mọi chuyện đã khác. Một bài “hit” vẫn là trời cho vì đôi khi cố hết sức mà trời không cho cũng không dễ “làm nên chuyện”.
Nhưng các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ không thụ động ngồi đợi thời cơ đến mà họ đã chủ động đi tìm bài “hit” một cách có tính toán. Đôi khi là sự tính toán đến ngộp thở vừa của người sáng tác, vừa của người hát, vừa của nhà sản xuất. Thậm chí, có nhạc sĩ trẻ đã đưa ra được một công thức để tạo bài hát ăn khách hẳn hòi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho rằng, với sự phát triển không ngừng của thị trường âm nhạc ngày nay, nếu ca sĩ cứ ngồi yên một chỗ để cầu may mắn sẽ khó lòng đưa tên tuổi của mình vượt lên được. Chuyện tạo ra một bài hát ăn khách không đơn thuần chỉ để kiếm tiền mà còn cho thấy tầm nhìn của ca sĩ đối với thị trường mình muốn chinh phục.
Và việc nhiều ca sĩ cùng bước vào cuộc đua tạo “hít” sẽ vô hình trung dấy lên một cuộc cạnh tranh ngầm lẫn nhau. Nó tạo ra sự đa sắc cho thị trường âm nhạc nhưng cũng sẽ tạo nên một môi trường đào thải khác nghiệt. Nếu ai chịu được áp lực cạnh tranh đó sẽ có chỗ đứng, ai không chịu được sẽ phải tính đường hướng khác.