(Baonghean) - Thời gian qua, một số xã ở huyện Quỳ Hợp trở thành vùng đệm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, người dân được nhà nước hỗ trợ vốn, giống cây, kỹ thuật trồng rừng... đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất giai đoạn 2007 -2015 (Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg) phát huy rất hiệu quả...

Do phần lớn diện tích đất rừng nơi đây là đất trống đồi núi trọc, đất kém hiệu quả nên việc quy hoạch và đầu tư trồng rừng nguyên liệu gặp rất nhiều thuận lợi. Trong quá trình trồng rừng theo Quyết định 147, bà con được hỗ trợ cây giống và phân bón, ngoài ra còn được cán bộ Khu bảo tồn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh... nên rừng trồng sinh trưởng, phát triển rất tốt. Điển hình là xã Châu Thành, có 645 ha rừng trồng nguyên liệu phát huy hiệu quả, các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Cường, Châu Thái... diện tích rừng trồng nguyên liệu đều tăng dân hàng năm.

Bà Lương Thị Nhung, ở bản Na Bon, xã Châu Thành cho hay: “Năm 2008, gia đình bắt đầu nhận đất trồng rừng của dự án 147 và được Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống hỗ trợ về giống, vật tư phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, nên 5 ha gỗ keo phát triển rất tốt. Hiện nay, toàn bộ diện tích đang bắt đầu vào chu kỳ khai thác, sản lượng gỗ dự kiến đạt từ 75 - 80 tấn/ha”. Với sản lượng khai thác bình quân trên 80 tấn gỗ nguyên liệu/ha, sẽ có thu nhập gần 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng rừng còn lãi từ 60-70 triệu đồng/ha, cao hơn 30% so với diện tích rừng trồng ngoài dự án. 

Một điều rất dễ nhận thấy ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi rất rõ nét. Ở vùng sâu Nam Sơn, Bắc Sơn bà con có thu nhập khá ổn định từ việc trồng rừng nguyên liệu và từ đó dựng nhà khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền... Từ chỗ chỉ quen vào rừng khai thác lâm sản, săn bẫy động vật rừng trái phép, nay lại tích cực trồng, bảo vệ, phát triển rừng. Bắt đầu triển khai việc trồng rừng nguyên liệu theo Quyết định 147 từ năm 2008, đến nay tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có 1.076 hộ dân tham gia trồng rừng với tổng diện tích là 1.800 ha rừng, trong đó có những gia đình nhận trồng 5,6 ha (mật độ trồng khoảng 1.600 đến 2.000 cây/ha). Việc thực hiện dự án trồng rừng theo Quyết định 147 tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã biến những vùng đất trống, đồi núi trọc trở thành những cánh rừng keo bạt ngàn màu xanh, và đây trở thành một trong những việc làm thiết thực góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống...

Ông Lô Văn Dũng ở bản Đồng Hin, xã Châu Thái - Quỳ Hợp chăm sóc rừng trồng theo dự án 147.
Ông Lô Văn Dũng ở bản Đồng Hin, xã Châu Thái - Quỳ Hợp chăm sóc rừng trồng theo dự án 147.

Chương trình trồng rừng theo Quyết định 147, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thực sự giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên trong Khu bảo tồn và giúp người dân có cuộc sống ổn định từ nghề trồng rừng nguyên liệu, nhất là tại Quỳ Hợp đã hình thành được vùng nguyên liệu khá ổn định, cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh. Kế hoạch năm 2015, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống sẽ trồng mới 500 ha rừng, tuy nhiên, ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, sẽ gặp nhiều khó khăn do phần lớn diện tích đất còn lại để trồng rừng nguyên liệu đều nằm ở những vùng rừng núi cao, giao thông đi lại khó khăn. Đáng nói, là một số hộ dân hiện vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ điều kiện tham dự trồng rừng nguyên liệu. Thời gian tới, các cấp ngành chức năng cần tích cực thực hiện dự án phát triển đường lâm nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển diện tích trồng rừng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm mở rộng thêm nhiều hộ dân được hưởng lợi chương trình trồng rừng 147.

Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh