(Baonghean) - Truông Bồn những ngày tháng 7, ký ức thuở mưa bom, bão đạn đã lùi xa, chỉ còn hiên ngang, vời vợi cao xanh những hàng cây tỏa bóng, tựa lưng vào Thung Nưa, Khe Khế, Lèn 12 Thung, Eo Đòn võng... như hát lên khúc tráng ca bất tử về sự hy sinh của 13 anh hùng liệt sỹ và sự đóng góp của hàng vạn TNXP mà những tri ân của hôm nay đã làm nên sự hồi sinh mãnh liệt trên mảnh đất thương đau…
Mỗi năm, cựu TNXP Nguyễn Khắc Việt (Nam Thái, Nam Đàn) của Đại đội TNXP 304 năm xưa về với Truông Bồn mấy bận, nhưng lần nào cũng nghẹn ngào cảm xúc. Ông dứt khoát dùng từ “về”, chứ không phải là “đến” với Truông Bồn, bởi trong ông, bầu ký ức thuở TNXP nhiệt huyết, kiên cường trên tuyến giao thông trọng điểm ác liệt vẫn còn hôi hổi. Ông tâm sự: “Mới đó thôi đã 47 năm rồi … Sau trận bom thù ngày 31/10/1968 vùi lấp 13 đồng đội, tôi cùng các đơn vị TNXP và lực lượng dân quân tự vệ các xã tiếp tục có mặt trên những tuyến đường để làm nhiệm vụ san lấp đường, rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thời điểm đó, Hiệp định hòa bình vừa được ký kết. Bầu trời ngớt tiếng đạn bom, nhưng cảnh vật vẫn tan hoang như vùng đất chết, không cỏ cây nào còn sống. Tôi nhớ những buổi sáng tinh mơ, đứng từ trên lưng chừng Thung Nưa nhìn xuống, cảm giác hoang lạnh, rợn ngợp thấm đẫm cơ thể, mới biết cái khốc liệt của chiến tranh…”. Những năm tháng khốc liệt rồi cũng trôi qua, sự sống dần trở lại trên vùng đất chết. Những năm gần đây, người cựu TNXP ấy về với Truông Bồn ngoài việc thăm viếng, tưởng nhớ đồng đội, còn để chứng kiến những đổi thay của Truông Bồn. Vẫn là lưng chừng Thung Nưa, vẫn là buổi sáng tinh mơ như mấy mươi năm về trước, nhưng hun hút vào tầm mắt đã là xanh ngát rì rào những hàng cây, đã là thắm đỏ sắc hoa, là trong veo lảnh lót tiếng chim...
Mà đâu chỉ người cựu TNXP ấy, mỗi ngày, Khu di tích lịch sử Truông Bồn đón ngót ngàn lượt khách gần, xa về thăm viếng, tưởng niệm. Người trong Nam, người ngoài Bắc, thậm chí cả du khách nước ngoài về với Truông Bồn đều chung một tình cảm thiêng liêng dành cho mảnh đất “nắng lửa mưa chan, kiên cường bão táp” ấy. Họ khe khẽ bước chân đi dưới những hàng cây rợp bóng - những hàng cây đủ chủng loại, đủ hình thế, sắc hoa, mỗi loài cây có “lịch sử” riêng, “ngôn ngữ” riêng, hội tụ về Truông Bồn từ khắp muôn phương. Từ năm 2012 - thời điểm khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho đến nay, cùng với việc nỗ lực xây dựng, hoàn thành các hạng mục công trình, thì việc chăm chút khuôn viên, cảnh quan xanh của Truông Bồn cũng được các đơn vị chú tâm thực hiện. Theo thống kê, ngoài hệ thống bồn hoa cây cảnh điểm tô dáng nét cho công trình tâm linh, thì hiện tại, quần thể di tích Truông Bồn đã thêm bề thế, quy mô với hơn 300 cây xanh cao lớn, có nhiều cây đường kính vòng ôm đến 1,5m. Nào cây đa đỏ do Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trồng lưu niệm, nào cây đa truyền thống của người Việt do đích thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trồng...
Mỗi dáng cây, mỗi sắc xanh điểm tô cho quần thể Truông Bồn hôm nay đã góp phần viết tiếp những trang sử hồi sinh trên mảnh đất thiêng này. Trang sử hồi sinh được viết bởi những thế hệ tri ân, không nguôi quên quá khứ anh hùng. Ngót ngàn lượt khách thập phương đến với Truông Bồn, tấm tắc ngợi khen và ngưỡng mộ sự hoành tráng, quy mô của quần thể di tích ấy, mấy ai biết được, đó là kết quả của tâm ý đầy nhân văn, của những hành động đầy trách nhiệm với quê hương của bao người con Nghệ An. Ngày 20/5/2015, Tỉnh ủy Nghệ An có Công văn số 4279 về việc phát động trồng cây tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, với ý nghĩa cao đẹp nhớ ơn Bác Hồ và các liệt sỹ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, khắc ghi truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ngay sau khi phát động, nhiều đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã lập tức vào cuộc, gieo những sắc xanh vào lòng đất thiêng của quê hương. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT - đơn vị đầy tâm huyết với hoạt động trồng cây tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn chia sẻ: Ý nghĩa hơn cả, là những loài cây được trồng ở Truông Bồn thể hiện sức sống mãnh liệt của đất và người xứ Nghệ, trải bao đau thương vẫn trỗi dậy kiên cường. Sau đợt phát động, Báo Nghệ An là đơn vị đầu tiên “xông đất” với 5 cây lộc vừng. Hàng lộc vừng được trồng ở vị thế đẹp, hiên ngang tỏa bóng, thu hút nhiều lượt khách về tham quan. Tiếp đó, nhiều đơn vị, địa phương ghi dấu ấn của mình với nhiều loài cây khác nhau như bồ đề, cây đại, cây mận quân… Truông Bồn giờ đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn trở thành “địa chỉ xanh” của sinh thái, của sự hồi sinh, của sức vươn mãnh liệt. Và góp vào bầu tươi mát của địa chỉ xanh Truông Bồn ấy, từ đầu năm 2015 đến nay, cán bộ, công nhân viên Sở GTVT đã trồng hơn 50 cây lưu niệm, tỏa bóng vững chãi trên đất thiêng.
Trong hơn 300 dáng cây bề thế hiện nay ở Truông Bồn, có những loài có “lai lịch” thật đặc biệt. Cách không xa với Nhà truyền thống lịch sử Truông Bồn đang hối hả tiến độ xây dựng là hàng cây săng lẻ thẳng tắp do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quế Phong cung tiến. Săng lẻ là loài cây đặc trưng của miền sơn cước, khi gieo cây vào lòng đất Truông Bồn, những người con miền biên viễn đã gửi gắm tấm tình tri ân của mình vào đó. Ông Kha Văn Tám, Phó Bí thư Huyện ủy Quế Phong chia sẻ: “5 cây săng lẻ được chọn đưa xuống Truông Bồn có chiều cao trung bình 10m, cây trưởng thành vững chãi, đảm bảo sự phát triển trên vùng đất mới. Với đồng bào huyện Quế Phong, hình ảnh săng lẻ tượng trưng cho sự chân thành, sự bình yên, khoáng đạt của núi rừng. Chúng tôi muốn mang tất thảy những điều đẹp đẽ ấy gửi về Truông Bồn...”.
Giản dị quá mà thương yêu quá, tất thảy những điều đẹp đẽ gửi về Truông Bồn, gửi về mảnh đất từng quằn xéo đau thương bởi đạn bom, mà vẫn hát lên khúc tráng ca của sự hồi sinh mãnh liệt. “Có lửa thiêng Truông Bồn mới có bầu trời hòa bình của ngày hôm nay. Là đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh nhà, lại được vinh dự trực tiếp thi công một số hạng mục của quần thể di tích Truông Bồn, chúng tôi luôn ý thức được sự tri ân lịch sử từ những hành động nhỏ. Thực hiện công văn của Tỉnh ủy, cán bộ, công nhân viên Công ty Công trình giao thông 422 đã trồng cung tiến hàng cây bồ kết ngay bên cạnh nhà tưởng niệm Truông Bồn” - ông Đặng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Công trình giao thông 422 chia sẻ tâm tư.
Trong những loài cây bát ngát vươn xanh ở mảnh đất này, có lẽ, cây bồ kết là loài cây gợi nhiều xúc cảm nhất. Ai đi qua, về lại nơi đây, mà không lặng người dưới hàng bồ kết? Chùm bồ kết nhánh đen nhưng nhức, mùi hương chẳng quyến rũ, nồng nàn mà vấn vương đến thế. Hương bồ kết vương trong ba lô những nữ TNXP một thuở, chờ nắng lên, bàn tay thon khẽ hòa nước màu ánh mật, gội mái tóc lưa thưa vì những cơn sốt rét rừng... 12 nữ TNXP ngã xuống trên trọng điểm Truông Bồn 47 năm về trước, có những chị còn chưa kịp nhận lời yêu, tuổi thanh xuân vĩnh viễn hằn trên vành nón trắng, trong chùm bồ kết thoảng hương gọi mối tình đầu. Cây bồ kết trong sân khu tưởng niệm hôm nay đã gọi cả bầu ký ức, gọi cả lịch sử, gọi cả những điều có tên và không tên dâng lên trong lòng mỗi người..
Và cứ thế, Truông Bồn xanh lên trong những tri ân. Truông Bồn xanh lên trong những tưởng niệm. Truông Bồn mạnh mẽ hồi sinh. Dòng người đến với Truông Bồn những ngày tháng 7 tưởng như vô tận. Trong số họ, rất nhiều những cựu TNXP, cựu chiến binh dạn dày lửa đạn, trở về thăm đồng đội cũ. Mái tóc chiến chinh đã bạc nhiều rồi, vẫn thân thương màu xanh chiếc mũ tai bèo, rưng rưng chạm vào từng thân cây, từng nhành hoa, ngọn cỏ. Cỏ cây xanh nhưng nhức như nhắc nhớ đừng quên, dưới lòng đất thẳm, có một thế hệ nằm lại và chắp cánh cho khát vọng vươn tới hôm nay của đất nước, quê hương…
Tối 14/7, tại Khu di tích Truông Bồn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An tổ chức lễ tâm linh cho Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Truông Bồn. Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu về buổi lễ, khẳng định đây là hoạt động có ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sỹ và nhằm tạo sự giao cảm giữa thế hệ tuổi trẻ đi trước với thế hệ tuổi trẻ hôm nay về tinh thần cao cả sẵn sàng cống hiến hết mình cho Tổ quốc. |
Thực hiện Công văn số 4279 của Tỉnh ủy về việc phát động trồng cây tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, tính đến nay, đã có 90 địa phương, đơn vị, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, thực hiện. Tổng số lượng cây được trồng tính đến thời điểm ngày 15/7/2015 là 302 cây, tập trung chủ yếu là các loại cây: bồ đề, đa, lộc vừng, sanh, đại, mận quân, bồ kết … Đặc biệt, một số địa phương khu vực miền Tây Nghệ An đưa các loại cây đặc trưng của vùng đất mình, như 5 cây săng lẻ của huyện Quế Phong, tạo dấu ấn riêng của miền sơn cước trên vùng đất Truông Bồn. Theo Ban Quản lí Khu di tích lịch sử Truông Bồn, 302 cây được trồng đến nay đều phát triển tốt, có những cây đường kính vòng ôm lên đến 1,5m, đảm bảo sự sinh trưởng trên vùng đất mới. |
Phương Chi