(Baonghean) -Tôi đã từng biết đến Châu Bình (Quỳ Châu), nhưng chỉ qua những câu chuyện kể về một “thời đá đỏ” đáng buồn. Hai mươi hai năm sau, tôi đến Châu Bình. Bây giờ, cả xã phủ lên mình màu xanh của bạt ngàn rừng trồng. Vẫn còn đó dấu tích của những hầm hố, nhưng giờ đây đã khác...Đó là vào năm 1992, lúc tôi mới vào học lớp 10, còn lơ ngơ chưa biết Quỳ Châu ở đâu và giá trị của viên đá đỏ như thế nào, chỉ biết qua lời các chú của tôi là đào được đá đỏ sẽ giàu. Hai tuần sau, ba chú dìu dắt nhau từ Quỳ Châu trở về, quần áo nhem nhuốc, người gầy xo và một chú thì bị sốt rét nặng, phải vào bệnh viện tỉnh điều trị. Sau đó, tôi cũng biết, hàng vạn bà mẹ, người thân đã đỏ mắt mong chồng, con từ vùng đá đó trở về… Thi thoảng kể lại, các chú cho rằng may mắn vì không bỏ mạng ở vùng đá đỏ ngày đó.Khi biết tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống hiện nay của nhân dân xã Châu Bình trên vùng đất đá đỏ, ông Lang Thanh Nhật, cán bộ địa chính xã vui vẻ lấy xe máy chở tôi đi. Vòng vèo qua vài ngọn núi, rừng tràm trải rộng, ông Nhật phấn khởi gợi mở câu chuyện: “Bây giờ, Châu Bình toàn là rừng xanh tốt như rứa cả. Đó là lứa thứ ba rồi, nhà tui cũng có vài hécta. Trước đây, vùng này nham nhở, người khắp nơi về đào đá đỏ. Người dân ở đây thấy thế, cũng lao vào, quên cả ruộng nương, đồi núi để hoang hóa. Nhưng rồi đá đỏ hết, dân ở đây nghèo vẫn hoàn nghèo…”. Tôi hỏi hồi đó, ông Nhật có tham gia tìm đá đỏ không? Ông thẳng thắn: Có chứ, người khắp nơi còn đổ về nữa là dân ở đây. Nhưng không ăn thua đâu chú, vì cứ đồn đại dễ tìm đá đỏ nên người khắp nơi ùa về. Họ đào dọc hết các khe suối, rồi lấn sang cả diện tích ruộng nước ít ỏi của xã. Nhiều hộ dân bán ruộng cho cai thầu đá đỏ và nhận về một hố sâu với đá sỏi lổm nhổm. Suốt ngày, người tranh giành nhau vì đá đỏ và hầu như ngày nào cũng có đổ máu. Châu Bình trở thành vùng hoang hóa, khô cằn sỏi đá. Với sự giúp đỡ của Nhà nước, các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bào đã từng bước ổn định trở lại, bắt tay vào trồng rừng, cải tạo ruộng nước, khai hoang, phục hóa trồng thêm rau màu, cuộc sống khá dần lên. Bây giờ, những đồi Hoa cỏ may, đồi Tỷ, đồi Tử ở Châu Bình đã được phủ xanh rừng tràm. Trên 10.000 ha đất đồi ở Châu Bình đã được giao khoán cho đồng bào trồng rừng. Đến nay, rừng ở Châu Bình đang bước vào vụ thu hoạch chu kỳ thứ ba. Sau 6 đến 7 năm trồng và bảo vệ, mỗi hécta rừng tràm ở Quỳ Châu thu được từ 70 đến 90 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không cao đối với người trồng rừng, nhưng nó mang tính bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đất vốn bị bỏ hoang. 

Xanh đồi đá đỏ Châu Bình ảnh 1Mở đường phục vụ trồng rừng

Vừa tâm sự, ông Nhật rẽ xe đưa tôi vào một ngôi nhà cấp bốn kiên cố nằm lọt giữa rừng tràm xanh tốt. Anh Vi Đức Thuận, chủ nhân ngôi nhà đón chúng tôi, nụ cười rạng ngời. Qua câu chuyện, tôi thực sự khâm phục sự quyết tâm của anh Thuận cùng bà con trong vùng. Sau cơn lốc đá đỏ, với sự hỗ trợ của nhà nước về phát triển trồng rừng, sản xuất, chăn nuôi, anh Thuận đã bàn bạc, liên kết với 36 hộ đồng bào Thái ở bản Kẻ Khoang và Bình Mai hình thành nên vùng đất rộng trên 120 ha để trồng rừng. Anh Thuận là nhóm trưởng, đóng vai trò như chủ nhiệm hợp tác xã, đứng ra tổ chức mua giống, phân công cho 36 hộ làm đất, trồng rừng, bảo vệ và đến mùa khai thác. Với hình thức quay vòng, thu hoạch khoảng vài chục hécta rồi tổ chức trồng lại rừng ngay trên diện tích vừa khai thác, kết hợp với phát triển chăn nuôi, các hộ dân trong nhóm của anh Thuận có thu nhập ổn định. Tính bền vững của kinh tế rừng trồng được phát huy cao. Để thuận lợi cho việc trồng, bảo vệ và thu hoạch rừng, những năm qua, nhóm của anh Thuận đã tự bỏ ra ba trăm triệu đồng thuê máy ủi, mở khoảng 7 km đường lên các đồi cao, đến các khu rừng trồng. Sau vụ thu hoạch tràm cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nhóm anh đang dự tính sẽ chuyển đổi khoảng 50 ha đầu tư trồng cao su theo chủ trương của tỉnh. Châu Bình hiện tại có hàng trăm mô hình gia đình phát triển kinh tế tổng hợp bằng việc trồng rừng tập trung, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa. Trong đó, các mô hình trồng rừng quy mô lớn từ 10 đến trên 100 ha trở thành những điển hình tiên tiến của huyện Quỳ Châu.

Người dân Châu Bình thu hoạch keo

Trên đường từ vùng tràm xanh ngắt trở ra Quốc lộ 48, chúng tôi gặp anh Lang Văn Mỹ ở bản Kẻ Móng cùng 12 thanh niên khác đang thu hoạch 5 ha rừng tràm trồng cách đây 6 năm. Mồ hôi nhễ nhãi, anh Mỹ đang dùng cưa xăng vật ngã những cây tràm có vanh (vòng tròn thân cây) từ 50cm đến 70cm và đốn thành những đoạn ngắn 4-5m, chở ra đường lớn. Những người khác thì chặt cành, bóc vỏ thân tràm theo yêu cầu của đơn đặt hàng. Dừng cưa máy, gạt mồ hôi, anh Mỹ tâm sự: “Vất vả lắm chú à, giai đoạn này tràm rớt giá, lời lãi chẳng bao nhiêu, chúng tôi đang tính xem có thể chuyển đổi cây rừng khác hiệu quả hơn…”!Ở Châu Bình, hiện vẫn còn rất nhiều diện tích ao hồ lớn, nhỏ do quá trình đào đá đỏ trước đây. Còn phía trên các ngọn đồi, rừng trồng khép kín, tạo nên điểm tựa vững chắc cho dân bản. Trồng rừng và chuyển đổi cây rừng trồng là quá trình còn nhiều gian khó, nhưng đồng bào ở Châu Bình xác định gắn bó và xem đó là kế sinh nhai lâu bền.Thế hệ sau này có thể không biết về những chuyện buồn “thời đá đỏ”, nhưng rồi tôi, chú tôi và nhiều người khác chắc sẽ kể, để cho con cháu thấy rõ sự vươn lên đáng trân trọng của quê hương...

Bài, ảnh: Nguyên Sơn