Ngày 7/12 vừa qua tại thành phố Bali (Indonesia), các Bộ trưởng thương mại của WTO đã đạt được một bước đi lịch sử trong việc gỡ bỏ các rào cản thuế quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông sản.
 
Nếu thành hiện thực, thỏa thuận này sẽ giúp tạo ra hơn 1.000 tỷ USD cho thương mại toàn cầu và tạo thêm hơn 20 triệu việc làm, chủ yếu cho các nước đang phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mặt hàng này.
images893258_nong_san_121213.jpgCần xác định rõ thế mạnh nông sản khi thực hiện các cam kết của WTO
 
Ông Gita Wirjawan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho rằng: “Thỏa thuận đạt được sẽ tạo ra nhiều cơ hội giao thương, đặc biệt cho những thành viên kém phát triển nhất. Nó cũng tạo điều kiện cho các chính phủ thực hiện chương trình an ninh lương thực nhưng không đe dọa đến thỏa thuận của WTO”.
 
Mặc dù thỏa thuận đạt được mở rộng hơn cánh cửa xuất khẩu nông sản cho các nền kinh tế nông nghiệp như Việt Nam, song cánh cửa nhập khẩu cũng sẽ đón nhận những đối thủ có rất nhiều thế mạnh, bởi đối với những nước phát triển thì công nghệ đang hỗ trợ rất mạnh cho nông nghiệp.
 
Đứng trước thách thức trên các chuyên gia cho rằng, chúng ta buộc phải lựa chọn đâu là thế mạnh về nông sản của mình, bởi bất cứ sự cạnh tranh nào nếu không phải là thế mạnh sẽ chỉ tạo ra những thiệt hại không đáng có.
 
Ông Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT cho biết: “Trong điều kiện chúng ta ít có khả năng hỗ trợ cho nông nghiệp thì cách tốt nhất là các địa phương, các tỉnh nên xác định rõ điều kiện tự nhiên, thế mạnh để tập trung tài nguyên vào đẩy mạnh phát triển các mặt hàng thế mạnh, thay vì phát triển dàn trải như hiện nay”.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi thực hiện các cam kết của WTO, nhóm ngành thủy sản là ngành có sức cạnh tranh mạnh nhất, trong khi đó, ngành sữa có sức cạnh tranh trung bình và mía đường có sự cạnh tranh yếu nhất.
Theo VTV News