(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Thái Hòa lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 -2020 xác định phấn đấu xây dựng địa phương này trở thành đô thị loại III vào năm 2020. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Tiến Trị - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Thái Hòa về những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết.
P.V: Thị xã Thái Hòa thành lập năm 2008 và được kỳ vọng là đô thị động lực của khu vực Tây Bắc Nghệ An. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đánh giá, địa phương vẫn chưa phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và chưa tạo được bước phát triển có sức lan tỏa cho cả vùng như kỳ vọng. Xin đồng chí cho biết ý kiến về vấn đề này?
Đồng chí Lê Tiến Trị:Trong 8 năm qua kể từ ngày thành lập, thị xã Thái Hòa đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng và đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, với một thị xã trẻ, vấn đề phát triển đòi hỏi phải huy động được nhiều nguồn lực, nhất là vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút các dự án sản xuất. Sau khi được thành lập, việc chuẩn bị các quy hoạch chưa kịp thời và thiếu đồng bộ, một số chính sách của Nhà nước về đất đai còn bất cập; những vấn đề hạn chế, tồn tại từ nhiều năm chưa được giải quyết cơ bản đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả thực hiện các mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã nỗ lực vươn lên đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là về diện mạo đô thị và nông thôn cũng như mức sống của nhân dân được nâng cao... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng khá cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình dịch vụ, thương mại phát triển, mang dáng dấp của một đô thị năng động, tiến tới hiện đại.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, về đích trước mục tiêu 3 năm; là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chăm lo, có những bước chuyển tích cực. Giáo dục và đào tạo đã hoàn thành xuất sắc công tác phổ cập giáo dục; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; có 30/32 trường đạt chuẩn quốc gia (93,75%).
Bên cạnh những thành tựu, kết quả tích cực, những năm qua trên địa bàn thị xã vẫn còn những hạn chế nhất định chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của thị xã và yêu cầu phát triển… Đây là những vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở và xác định những giải pháp quyết liệt nhằm chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ này.
P.V: Vậy xin đồng chí cho biết cụ thể những hạn chế, tồn tại của thị xã Thái Hòa?
Đồng chí Lê Tiến Trị: Thị xã còn có những hạn chế, tồn tại cần được nhận thức đúng đắn, có trách nhiệm để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục hiệu quả cho thời kỳ phát triển tiếp theo với yêu cầu cao hơn. Đó là: Chất lượng tăng trưởng kinh tế nói chung, tốc độ phát triển và cơ cấu các ngành, lĩnh vực quan trọng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức và chậm được cải thiện, chưa có giải pháp tích cực, hiệu quả để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; nhất là về công tác: chuẩn bị các quy hoạch, đất đai, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và chuẩn bị các danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư theo mục tiêu, yêu cầu phát triển.
Công tác quản lý trật tự đô thị, hành lang an toàn giao thông, quản lý đất đai, tài nguyên, vệ sinh môi trường và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức chấp hành của người dân chưa cao; cảnh quan, môi trường thị xã chưa thật sự xanh, sạch, đẹp; vẫn còn những bức xúc, kiến nghị của người dân về đất đai, có trường hợp kéo dài chậm được giải quyết. Việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, có những công trình thi công dở dang kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, làm chậm tiến độ thực hiện dự án và gây ra những kiến nghị, bức xúc của nhân dân chậm được giải quyết.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn những mặt hạn chế về: xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật và cải cách hành chính các lĩnh vực công tác; tính tiên phong, gương mẫu và chủ động, trách nhiệm với công việc; tinh thần hợp tác, cộng sự với đồng chí, đồng nghiệp và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.
P.V: Vậy đâu là mũi đột phá mà Ban Thường vụ Thị ủy Thái Hòa xác định chỉ đạo trọng tâm nhằm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II đề ra là xây dựng Thái Hòa trở thành đô thị loại III, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Tiến Trị: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Do vậy, tư tưởng chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy phải thực hiện tốt chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016, tạo tiền đề, bước phát triển quan trọng cho những năm tiếp theo. Trong đó, chúng tôi tập trung vào 3 nội dung đột phá và động lực cho sự phát triển. Đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành, tận tụy, sáng tạo và gương mẫu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cụ thể là cần xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính của thị xã hoạt động hiệu lực, hiệu quả và hướng tới tinh gọn, hiện đại theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành tại các cơ quan, đơn vị từ thị xã đến cơ sở; hướng tới xây dựng và quyết liệt triển khai ứng dụng “chính quyền điện tử”.
Đồng thời, chúng tôi quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; tăng cường thu hút đầu tư và liên kết, hợp tác nhằm tạo bước đột phá trong phát triển. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư trên các lĩnh vực: thương mại hàng hóa và dịch vụ quy mô cấp vùng, sản xuất công nghiệp thân thiện với môi trường và sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến, sản xuất nông nghiệp an toàn với quy mô lớn và hướng tới ứng dụng công nghệ cao.
Chính quyền làm cầu nối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược. Tăng cường hợp tác, liên kết với các huyện bạn nhằm bảo đảm phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương theo quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh.
Cuối cùng là thị xã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất, đời sống và quản lý xã hội; triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả thiết thực.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Thành Duy
(Thực hiện)