Gây án với động cơ bài ngoại
Vào khoảng 10 giờ tối (giờ địa phương) ngày 20/2 tại Hanau, một thành phố cách Frankfurt chừng 20 km về phía Đông, thuộc bang Hesse, một đối tượng đã xả súng khiến 9 người thiệt mạng tại 2 quán bar shisha. Kẻ tình nghi, 43 tuổi, sau đó đã trở về nhà và sát hại mẹ y rồi tự sát. Trong số các nạn nhân, hiện còn 1 người đang trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Nếu nhìn vào các mục tiêu bị kẻ thủ ác nhắm đến trong cuộc tấn công là quán bar shisha Midnight và quán bar và cafe Arena, nhiều người càng củng cố niềm tin vào giả thuyết động cơ mang tính cực hữu.
Các địa điểm nói trên đặt tại các khu vực chủ yếu có đông người di cư tại thành phố Hanau. Không những thế, bar shisha - nơi khách có thể hút thứ cỏ tẩm hương liệu - do cộng đồng người Thổ tại Hanau phổ biến đầu tiên.
Các nguồn tin địa phương tiết lộ những nạn nhân đầu tiên trong vụ tấn công hôm 20/2 đều có gốc gác người Kurd. Bộ trưởng Nội vụ bang Hesse là ông Peter Beuth cho biết: “Những hiểu biết hiện tại của chúng tôi có đủ cơ sở để thấy rằng vụ việc này có động cơ mang tính bài ngoại”. Những thông tin mà ông Beuth nhắc đến có khả năng dựa vào lá thư thú tội dài 24 trang của đối tượng xả súng bỏ lại, theo đó y tỏ ý tán thành các quan điểm cực hữu và bài nhập cư.
Peter Neumann - một chuyên gia tại Đại học King ở London, Anh, cũng đã tiếp cận lá thư thú tội nói trên và đưa ra phân tích riêng của mình trên mạng xã hội Twitter. “Hắn ta ghét người ngoại quốc và những người không phải da trắng. Dù hắn không nhấn mạnh Hồi giáo, nhưng hắn lại kêu gọi tiêu diệt nhiều quốc gia tại Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á (vốn đều có đa số người theo đạo Hồi)”, Neumann đăng trong một bài viết vào sáng 21/2.
Quan điểm này phù hợp với điều mà Amadeu Antonio Stiftung - một quỹ chống chủ nghĩa cực đoan cánh hữu của Đức phát hiện trong lá thư thú tội của kẻ xả súng. Robert Lüdecke - người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của tổ chức này phát biểu: “Hắn ta cảm thấy có một mối đe dọa lớn đối với bản thân và dân tộc của mình, tin rằng hắn là người được chọn để bảo vệ họ bằng vũ lực chống lại kẻ thù từ bên ngoài. Hắn tin rằng bản thân được lựa chọn và vì thế cảm thấy có quyền hợp pháp thực hiện các hành vi bạo lực”.
Theo Vox, không nên suy diễn nhiều điều từ vụ tấn công vừa qua, sự việc mà trang này cho rằng đơn thuần là một kẻ trong đêm làm một việc khủng khiếp. Nhưng nguồn tin này lưu tâm rằng nước Đức hiện đang chứng kiến xu hướng gia tăng bạo lực và tội phạm mang quan điểm cực hữu, cũng như sự lớn mạnh của đảng cực hữu trong nền chính trị.
Đây quả thực là vấn đề đang lớn dần khiến nhiều người phải quan ngại, kể cả nhà lãnh đạo đương nhiệm của Đức. Thủ tướng Angela Merkel trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 21/2 nói về vụ xả súng đã khẳng định: “Phân biệt chủng tộc là một thứ độc dược; sự thù hận là một thứ độc dược. Loại độc này tồn tại trong xã hội của chúng ta, và là nguyên nhân dẫn tới quá nhiều sự việc thảm kịch”.
Xu hướng tội phạm cực hữu gia tăng
Rõ ràng, không có gì phải hoài nghi việc các phần tử cực đoan cánh hữu đang dần trở thành một vấn đề gây đau đầu tại Đức. Theo ước tính của Bộ Nội vụ nước này, trong nửa đầu năm 2019, các tổ chức tân phát xít cùng các nhóm khác đã gây ra 8.605 vụ phạm tội trên toàn quốc, nhiều hơn 900 vụ so với cùng kỳ năm 2018.
Trong những vụ việc này, khoảng 180 người bị thương, và nhiều tội phạm hiện vẫn ngoài vòng lao lý, cụ thể chỉ mới 23 trong tổng số 2.625 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ. Điều quan trọng là chỉ một số lượng nhỏ trong những vụ việc này mang tính bạo lực.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là có vẻ như những con số trên sẽ sớm có chiều hướng gia tăng. Trong một cuộc phỏng vấn với Vox, ông Neumann đã nói: “Tổng số vụ việc không hẳn nhiều hơn, nhưng mức độ nghiêm trọng đã thực sự tăng lên”, đồng thời cho biết thêm, giới chức Đức “thường đánh giá rằng có thêm nhiều người được cho là mang hơi hướng cực hữu đang suy tính bạo lực”. Về việc này, ông nhấn mạnh rằng số liệu có thể chưa phản ánh đầy đủ nhưng đó chỉ là chuyện trong nay mai mà thôi.
Theo một báo cáo được các cơ quan chức năng Đức công bố hồi năm ngoái, cảnh sát địa phương đã tước 1.091 vũ khí khỏi tay các phần tử cực đoan cánh hữu trong năm 2018. Trong khi năm 2017, cảnh sát chỉ thu giữ 676 vũ khí, đồng nghĩa đã có sự gia tăng lên tới 61% về số vũ khí tước khỏi các tổ chức cực hữu.
Có vẻ như một số tổ chức như vậy đang muốn tiến hành các hành vi bạo lực quy mô. Đầu tháng này, 12 đối tượng đã bị bắt do lên kế hoạch tấn công một vụ tương tự như vụ việc tại Christchurch, New Zealand hồi năm ngoái, khi một tay súng đã tự ghi lại hình ảnh hắn sát hại các tín đồ Hồi giáo trong nhà thờ.
Giới chức Đức tin rằng, 12 kẻ nói trên đã dự định tiến hành các vụ tấn công đồng thời nhằm vào người Hồi giáo trong các buổi cầu nguyện trên khắp đất nước. Các quan chức đã bắt đầu trấn áp mạnh tay hơn đối với các phần tử cực đoan này. Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết, chính phủ nước này sẽ thành lập thêm 600 địa điểm tình báo mới để nhận diện, theo dõi và nhổ tận gốc các mạng lưới bạo lực cánh hữu.
Nhiều người xem thông báo nói trên là sự đáp trả trước 2 vụ tấn công lớn tại Đức năm 2019: đó là vụ sát hại chính khách Walter Lübcke do một phần tử cực đoan cánh hữu gây ra hồi tháng 6, và một vụ xả súng tại một giáo đường trong ngày lễ đền tội của người Do Thái khiến 2 nạn nhân thiệt mạng.
Dù vậy, không vụ việc nào ngăn nổi sự gia tăng tình cảm, ưu ái dành cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), một đảng cực hữu đang giành chiến thắng trong cả các cuộc bầu cử địa phương lẫn liên bang. Họ đã dẫn dắt làn sóng bài nhập cư kể từ khi nước Đức tiếp nhận hơn 1 triệu người năm 2015, trong đó đa phần là người di cư chạy trốn cuộc chiến tại Syria.
Sự hùng mạnh của đảng này là một trong những lý do khiến bà Merkel lựa chọn không tiếp tục lãnh đạo đảng trung hữu của mình bởi bản thân không thể tìm cách ngăn sự trỗi dậy của AfD.
Như vậy, có thể nói quan điểm cực hữu tại Đức không chỉ là mối đe dọa đối với an toàn của các nhóm thiểu số ở nước này, mà còn đe dọa đến toàn bộ hệ thống chính trị của họ. Nhưng chí ít, vẫn còn một số nhân vật hiện đang nắm quyền và tìm cách đối mặt với vấn đề này.
Trong đó có Franziska Brantner - một thành viên đảng Xanh trong Quốc hội Đức, với quan điểm: “Chúng tôi tại Đức đang đối diện với những phần tử cấp tiến cánh hữu hết sức nguy hại, những kẻ mà đến nay vẫn bị nhiều bộ phận trong giới chức nhà nước xem nhẹ và một số chính khách đánh giá thấp. Chúng tôi cần chiến đấu chống phân biệt chủng tộc và ngôn ngữ của thù hận trong xã hội của mình, cũng như yêu cầu giới chức truy đuổi và lên án khủng bố cánh hữu một cách vô điều kiện”.