(Baonghean) - Lên Tương Dương dự Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, tôi được nghe thầy giáo Hồ Duy Thịnh - Phó Trưởng phòng giáo dục - Đào tạo huyện thông báo, xã Xá Lượng sau Tết không còn học sinh THCS bỏ học. Tin này thật vui về xã nghèo này, và nó đồng nghĩa với việc huyện Tương Dương không còn học sinh bỏ học.

Trường THCS Xá Lượng chỉ cách thị trấn Hòa Bình 6km. Vậy nhưng, từ nhiều năm nay, nơi đây là điểm nóng của huyện Tương Dương về việc học sinh THCS bỏ học. Theo cô giáo Nguyễn Thị Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Xá Lượng, những năm trước học sinh ở các bản Na Bè, Hợp Thành - nơi tập trung đa số các dân tộc Mông, Khơ mú thường xuyên bỏ học. Bản Na Bè, Hợp Thành nằm cận kề nhau, cách trường chừng 12 km. Để đến trường, các em thường đi bộ hoặc đi xe đạp từ sáng sớm, vượt qua nhiều con dốc cao ngất hết sức vất vả, học xong lại trở về nhà. Đã thế, cuộc sống gia đình các em lại rất khó khăn. Bên cạnh cái nghèo cùng các hủ tục lạc hậu chưa được dứt bỏ, người dân ở đây lại sinh đẻ thiếu kế hoạch nên đã khổ lại càng thêm khổ. Trường THCS Xá Lượng có trên 300 học sinh thì riêng học sinh Na Bè, Hợp Thành có tới trên 90 em. Khi học sinh Na Bè, Hợp Thành nghỉ học thì trường trống hẳn.

Trường vắng trò, giáo viên phải vào bản vận động học sinh tiếp tục đi học, nên có những thời điểm trường cũng vắng cả cô. Các cô giáo Vũ Thị Thắng, Xên Thị Dần... thường xuyên đi vận động học sinh trở lại trường. Đi nhiều, các cô giáo chỉ nghe qua tên trò đã nhớ tên phụ huynh. Cô Thắng, cô Dần nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên: "Các em học sinh Na Bè, Hợp Thành khổ lắm. Một số em đã ngất tại sân trường vì đói, có em đang học bật khóc cũng vì đói. Chúng tôi vào bản vận động các em đi học trở lại, chứng kiến sự thiếu thốn vật chất của gia đình các em mà thấy thật xót xa. Nhiều gia đình ở trong những túp lều lá thưng gỗ trống hoác chẳng che nổi gió mưa, nhiều học sinh không có quần áo mặc”.

Học sinh Trường THCS Xá Lượng nhận suất ăn trưa.

Bây giờ cái nghèo ở Na Bè, Hợp Thành vẫn còn hiển hiện rất rõ, bởi nơi đây có nhiều nhà tạm, nhỏ lúp xúp trên những căn đồi. Tìm gặp già làng Ven Văn Phong - người từng có 2 nhiệm kỳ làm trưởng bản, nay làm Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi kiêm thanh tra nhân dân hỏi chuyện, ông cho biết: “Na Bè có trên 30 hộ đang ở nhà tạm bợ và chỉ có khoảng 30/187 hộ đủ cái ăn. Nhiều gia đình trẻ, mới khoảng 35 - 36 tuổi mà đã có tới 4 - 5 con như gia đình Cụt Phò Vân, Cụt Văn Mun, Moong Chơ Long, Moong Văn Thát...”. Tuy nhiên, ở 2 bản này học sinh không còn bỏ học. Từ năm học 2012 - 2013, các em học sinh ở Na Bè, Hợp Thành được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/12/2010. Theo đó, các em được hỗ trợ tiền ăn là 40% mức lương cơ bản và tiền ở bằng 10% mức lương cơ bản, tổng cộng khoảng trên 500 nghìn đồng mỗi em. Theo cô giáo Nam, nhà trường cùng chính quyền xã vào bản Na Bè, Hợp Thành nhiều lần đến gặp dân giải thích về chính sách này, sau đó quyết định thuê nhà dân gần trường cho các cháu ở và nấu ăn bữa trưa để các cháu yên tâm học. Bên cạnh đó, trường đã động viên các giáo viên quyên góp tiền mua cho mỗi cháu một chiếc rương, đồ dùng học tập và cả quần áo, dép, xà phòng... Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng có cái ăn, cái mặc, lại được các cô giáo thường xuyên kèm cặp nên dần dà các cháu đã ổn định cuộc sống, yên tâm học hành và không còn bỏ học.

Nơi ở của các học sinh Na Bè, Hợp Thành tại xóm Cửa Rào 1 cận kề trường học. Theo lời bà Ngô Thị Lan - một chủ nhà có học sinh ở, các cháu ngoan, sạch sẽ và hầu hết tự lo được cho cá nhân. Ngoài bữa cơn trưa do nhà trường tổ chức, các cháu tự nấu bữa cơm chiều. Và dù bữa cơm này thường không có thức ăn nhưng các cháu không còn tình trạng bị đói ăn như trước. Hỏi chuyện Seo Văn Mão (14 tuổi, lớp 8B), Moong Văn Thoại (14 tuổi lớp 8A), Seo Văn Ngọ (11 tuổi, lớp 6B),... đều ở bản Na Bè, các cháu cho tôi biết, trước đây, những ngày mưa to, lạnh thì phải nghỉ học vì đi cũng không kịp giờ học, còn bây giờ thì không nghỉ học nữa và được ở đây vui lắm.

Tôi chứng kiến các cháu đi nhận bữa cơm trưa thật vui. Cơm và thức ăn đã được để sẵn trong từng cặp lồng có đề rõ tên của mỗi cháu. Thức ăn gồm trứng rán, dưa chua và canh cải bắp, còn cơm thì khá thoải mái. Theo chị Nguyễn Thị Lê, người nhà trường hợp đồng nấu ăn cho các cháu cho biết, suất ăn của các cháu từ 12000 - 15000 đồng. Mỗi bữa các cháu được nấu khoảng 0,3kg gạo. Nhiều cháu ăn không hết để dành lại đến bữa cơm chiều. Chị Lê cho biết thêm: “Một số gia đình khi ra đây thăm con đã gửi thêm tiền ăn và khuyên con ở lại cả thứ bảy, chủ nhật. Như trường hợp bố của cháu Lô Văn Quyền, Lô Thị Ngọm gửi cho các cháu 50.000 đồng để ăn sáng trong hai tuần và nhắc: Ở lại trường học chứ đừng về. Về cũng không có cơm cá, thịt ăn đâu...".

Chúng tôi rời Tương Dương, nhưng trong lòng mãi lưu lại hình ảnh các em học sinh Trường THCS Xá Lượng vai đeo cặp, tay xách cặp lồng cơm vui vẻ trở về phòng trọ... Và nhớ mãi lời của chị Nguyễn Thị Lê: “Có những chính sách tốt đẹp của Nhà nước, có những tấm lòng luôn hướng đến học trò của các giáo viên thì lo gì các em bỏ học!”.

Bài, ảnh: Nhật Lân