"Ôsin" làm đẹp nhà cho người cõi âm

(Baonghean.vn) - Trong cái se lạnh, tất tả của những ngày cuối năm, bên trong các khu nghĩa trang trên địa bàn TP Vinh vẫn có những dáng người lúi húi, chăm chỉ bên cạnh những ngôi lăng mộ. Họ đang làm một nghề mà ít người quan tâm : “Ôsin” cho những mộ phần.

Bất kể nắng mưa, từ hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Bình (đường Siêu Hải, K.14, Phường Cửa Nam,TP.Vinh) vẫn đều đặn có mặt tại khu Nghĩa Trang Nam Cung thuộc địa phận 2 phường Cửa Nam và Đội Cung của TP. Vinh để chăm sóc cho các mộ phần.

Với bà, đó đã trở thành nghề mưu sinh chính, nó như một cái “duyên nghiệp” đã vận vào người. Năm nay đã 62 tuổi, xuất thân vốn là công nhân của Nhà máy xi măng Cầu Đước, trong giai đoạn khó khăn bà đã xin nghỉ chế độ 176 về nhà chăm sóc một nách 3 con nhỏ. Nhận thấy các mộ phần ở Nghĩa trang Nam Cung có nhiều ngôi bị hoang phế, không người chăm sóc, bà mới phát tâm lau dọn hương hoa. Lâu dần thành nghề lúc nào không hay bởi vì ngày càng có nhiều gia đình có nhu cầu chăm sóc mộ phần của người thân nhưng lại không có thời gian và công cụ để làm, vậy là họ tìm đến bà Nguyễn Thị Bình.

Bà Nguyễn Thị Bình đang chăm sóc cho các mộ phần ở nghĩa trang Nam Cung.
Bà Nguyễn Thị Bình đang chăm sóc cho các mộ phần ở nghĩa trang Nam Cung.

Dịp Tết này, nhu cầu chăm sóc mộ phần của nhiều gia đình tăng lên, cùng với đó, đây cũng là thời điểm bận rộn nhất trong năm của những người được mệnh danh là "ôsin cho những mộ phần" như bà Nguyễn Thị Bình. Thoạt nhìn qua, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng quan sát kỹ mới thấy cũng nhiều công đoạn lắm. Nào cuốc thuổng, xô chậu, khăn sạch, nào liềm hái, bao tải…

Khi nhận “làm đẹp” cho mộ phần nào đó, bà cùng với vài người trong tổ lập tức bắt tay vào việc một cách nhanh chóng, đầu tiên phân công hai người dùng liềm dọn sạch cỏ rồi bỏ gọn sang hai bên, một người dùng bao tải thu gom lại rồi tập hợp vào nơi quy định của Ban quản trang, một người đi lấy đất sạch đắp trên đỉnh mộ, người khác lại thành tâm chắp tay khấn vái trước mộ như để “xin phép”… Tất cả đều được thực hiện nhanh gọn và chuyên nghiệp. 

Bà Bình tâm sự, làm nghề này trên hết phải thành tâm, có như thế mới đảm bảo được thời gian và chất lượng và không cảm thấy có lỗi với người nằm dưới. Đất và cỏ dùng đắp mộ đều được chở về từ các vùng đồi núi, đảm bảo sạch sẽ và mát mẻ. Mỗi mộ phần sau khi xong, bà Bình và các đồng nghiệp khác chỉ nhận 50 - 70.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Nhiều người nói làm nghề này thường xuyên tiếp xúc với phần âm nên ảnh hưởng sức khỏe, riêng tôi lại thấy ngược lại, có lẽ do các cụ thương nên mới được như thế, với lại mình làm xuất phát từ cái tâm, để phúc đức cho con cháu nên làm nghề này không mấy ai dám “ hỗn” với các cụ cả”.

Cách chỗ bà Bình làm vài dãy, anh Trần Hoàng cũng đang cắm cúi quét vôi cho một khu lăng mộ, bên cạnh anh, hai người khác cũng tất bật lau dọn, pha ve. Tùy theo kích cỡ và số lượng lăng mà mức giá cũng khác nhau, thường thì 200.000 - 500.00 đồng một ngôi, cũng có người cảm cái tâm đức của nghề mà biếu thêm cho thợ ít nhiều. 

Anh Phạm Văn Tiến - Việt kiều ở Nga vừa trở về quê đón Tết, thuê anh Trần Hoàng chăm sóc phần mộ của bố mẹ tâm sự: “Tôi sống xa quê hương, vài ba năm mới về được một lần nên việc chăm sóc phần mộ của các cụ tôi thuê khoán luôn cho anh Hoàng đây, không chỉ vào dịp lễ tết mà ngay cả ngày rằm đầu tháng anh ấy cũng ra hương hoa cho các cụ, tôi cũng thấy ấm lòng”.

Bên cạnh những niềm vui nho nhỏ khi làm được việc tốt thì nghề của anh Hoàng, bà Bình cũng có lắm nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Ánh mắt ái ngại, thậm chí dị nghị của những người xung quanh vì quan điểm "nghề âm" mang đến điềm xấu ... không ít lần làm anh Hoàng, bà Bình chạnh lòng. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, họ vẫn bền duyên với nghiệp bởi tâm niệm "chăm nghề, nghề chẳng phụ".

Trong lắc rắc mưa xuân, thấp thoáng xa dần trong làn mưa bụi là bóng những mộ phần nằm hoang hoải giữa đồng xanh. Mới chợt thấy thấm thía câu nói của bà Bình trước khi xe lăn bánh. “Không biết khi sống những người nằm dưới cỏ làm nghề gì, ông hoàng, bà tướng gì không nhưng khi nằm xuống cũng ba tấc đất cả mà thôi. Cuộc đời âu cũng là sắc sắc không không, nên phải cố mà sống cho tốt thì đời không phụ bạc mình đâu cháu ạ. Luật nhân quả có sai bao giờ”, bà Bình chia sẻ.

Hoàng Vũ

(57 Phùng Phúc Kiều-TP.Vinh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới