(Baonghean) - Đầu năm học mới, vấn đề thu – chi, xã hội hóa giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh. Trong đó, điều được nói đến nhiều nhất là các khoản thu tự nguyện và làm sao để tránh 'lạm thu'.

“Nóng” xã hội hóa

“Các khoản thu tự nguyện” là cụm từ được nói đến từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương bỏ khoản thu xây dựng. Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Việc xã hội hóa giáo dục chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bên cạnh đó, bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo. 

1507513038155.jpgGiờ học của học sinh Trường Mầm non Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.V

Quy định là vậy nhưng trên thực tế khái niệm “tự nguyện” trong xã hội hóa giáo dục dường như chỉ là lý thuyết. Thay vào đó, các trường thường đưa ra một “công thức” chung, dựa trên dự trù kinh phí các khoản phải sửa chữa và mua sắm trong năm. Trên cơ sở này, chia bình quân trên “đầu” học sinh và phụ huynh sẽ căn cứ vào đó để nộp tiền... tự nguyện. 

Vừa qua, trên mạng xã hội, một phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (TP.Vinh) chia sẻ những bức xúc khi năm học này nhà trường thu tiền xã hội hóa từ 700.000 đồng - 1.000.000 đồng/năm (tùy theo bậc học). Bên cạnh đó, phụ huynh còn phải đóng tiền quỹ lớp 500.000 đồng/năm, tiền hội phụ huynh 120.000 đồng/năm, tiền điều hòa 500.000 đồng/em, tiền uống nước 117.000 đồng/năm…

Tổng tất cả các khoản chi phí mà chị nộp đầu năm học (bao gồm cả học phí học buổi 2) là 5.260.000 đồng. Theo phụ huynh này cho biết, gia đình chị có hai con đang học tiểu học, đầu năm nếu tính hết các khoản thu xấp xỉ 10.000.000 đồng. Dù biết có con đi học thì nghĩa vụ là phải đóng góp nhưng số tiền quá lớn này cũng khiến gia đình chị phải “đau đầu”.

Ngay sau chia sẻ của phụ huynh này, rất nhiều phụ huynh trên địa bàn TP. Vinh khác cũng có ý kiến xung quanh các mức thu của trường con em mình. Một phụ huynh có con đang học ở Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 cũng bày tỏ sự hoài nghi khi chỉ riêng trong năm học 2017 – 2018, nhà trường xây dựng kế hoạch thu xã hội hóa lên đến 750 triệu đồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là xây nhà vệ sinh là 300.000.000 đồng, tiền sửa chữa cổng trường và xây lại bờ tường phía trước là 200.000.000 đồng…

Ở Trường THCS Quang Trung, mặc dù mức xã hội hóa nhà trường chỉ huy động hơn 290.000.000 đồng nhưng nhiều phụ huynh thắc mắc khi liệu có cần thiết không khi nhà trường đã có 12 bộ máy chiếu, vi tính còn huy động mua thêm 4 bộ khác (với tổng số tiền 80.000.000 đồng) để tổ chức dạy và học. Trong khi đó, nhà trường vẫn có thể linh động sử dụng luân phiên giữa các lớp vì thời gian học bằng máy chiếu không nhiều.

Xã hội hóa phải trên tinh thần tự nguyện

Nhìn nhận một cách khách quan, việc xã hội hóa giáo dục là điều cần thiết, nhất là hiện nay khi ngân sách của nhà nước dành cho giáo dục đang còn nhiều hạn chế. Về phía phụ huynh, cũng cần chia sẻ với nhà trường về những khó khăn trong công tác huy động, xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xã hội hóa như thế nào và làm sao để các trường không “lợi dụng” xã hội hóa để lạm thu và xây dựng các khoản thu không cần thiết.

Đơn cử như với xây dựng cơ sở vật chất. Theo quy định, việc thu xã hội hóa chỉ nhằm mục đích để “cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh,.. hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học”… Nhưng nếu như năm nào các trường cũng lấy cớ này để “đập cũ, xây mới” thì thực sự có cần thiết? Bên cạnh đó, quá trình triển khai cũng cần phải trên tinh thần tự nguyện, nghĩa là phải bàn bạc, thống nhất với phụ huynh trước khi đưa ra mức thu.

Tuy nhiên, hiện nay các trường đang làm một quy trình “ngược”, nghĩa là xây dựng các khoản cần chi và trên cơ sở đó “áp đặt” cho phụ huynh, gây áp lực cho phụ huynh trong dịp năm học mới, đặc biệt là với những gia đình còn nhiều khó khăn bởi đây cũng là thời điểm mà ngoài xã hội hóa, phụ huynh đang còn phải đóng góp nhiều các khoản khác.

Học sinh Trường Mầm non Thông Thụ (Quế Phong) chơi những đồ chơi do phụ huynh tự làm. Ảnh: Mỹ Hà

Quá trình triển khai các khoản thu xã hội hóa đầu năm cũng có khá nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy trình, trước khi triển khai các khoản thu xã hội hóa, các trường phải lập kế hoạch và phải xin ý kiến của chính quyền địa phương và phải được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các đơn vị đặc thù). 

Thế nhưng, nhiều trường lại tự ý triển khai khi chưa có sự đồng ý của cấp trên theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Tại trường mầm non Thông Thụ (Quế Phong) năm nay dự kiến thu xã hội hóa với số tiền là hơn 380.000.000 đồng. Theo cô Trần Thị Nghĩa -  Hiệu trưởng nhà trường: “Năm nay nhà trường đang lên kế hoạch xây dựng trường chuẩn nên kinh phí đầu tư của nhà trường sẽ phải thu nhiều hơn”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hiệu trưởng lại quên mất điều cơ bản đó là xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện. Chính vì vậy, đến thời điểm này, trong khi huyện chỉ mới phê duyệt cho ba trường trên địa bàn về kế hoạch xã hội hóa nhưng Trường mầm non Thông Thụ đã triển khai họp phụ huynh và tổ chức xã hội hóa tự nguyện cho phụ huynh. 

Liên quan đến công tác thu chi và xã hội hóa đầu năm học, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều văn bản, hướng dẫn chi tiết về các khoản thu đầu năm. Trong đó, đối với các khoản thu theo hình thức tự nguyện, Sở yêu cầu không được thực hiện khi không được sự đồng thuận của phụ huynh. Đồng thời, không được thu các khoản thu trái với văn bản đã hướng dẫn.

Sở cũng sẽ đồng thời tổ chức nhiều đoàn thanh tra để kiểm tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm, trong đó, ngoài thanh tra các khoản đóng góp còn kiểm tra việc sử dụng các khoản thu từ xã hội hóa của năm học trước, đảm bảo việc sử dụng phải chính xác, đúng mục đích.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN