Lợn chết vẫn bị vứt trôi sông

Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, hiện nay chưa có vắc - xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, ngoài đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch, thì việc tiêu hủy lợn bị dịch bệnh cũng cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. 

bna_image_5790547_2032021.jpgThời gian vừa qua dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại một số địa phương, buộc chính quyền địa phương phải tiêu hủy một số lượng lớn lợn bị dịch bệnh. Ảnh: TĐ

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp lợn chết bị vứt trực tiếp ra môi trường, sông, hồ.

Sáng 17/3, trên sông Lam đoạn qua xã Bồi Sơn (Đô Lương), người dân địa phương “tá hỏa” khi phát hiện xác lợn to trôi nổi trên sông. Điều đáng nói là địa phương này đang tái phát dịch tả lợn châu Phi. Ông Hùng, một người dân địa phương cho biết, mặc dù không biết lợn chết bị vứt từ đâu, thế nhưng trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát như hiện nay, việc có người thiếu ý thức vứt xác lợn chết xuống sông là điều đáng lên án.

Lợn chết bị vứt xuống sông Lam đoạn qua xã Bồi Sơn (Đô Lương), vào sáng ngày 17/3. Ảnh: TĐ

Tính riêng ở Đô Lương, đến ngày 16/3/2021, vẫn còn 6 xã là Lưu Sơn, Xuân Sơn, Hiến Sơn, Đại Sơn, Nam Sơn, Minh Sơn với 23 hộ tại 13 xóm có dịch và 75 con lợn bị nhiễm bệnh. 

Ông Trần Ngọc Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đô Lương cho hay, theo quy định, nếu lợn chết, dù có bệnh hay không đều phải tiêu hủy bằng cách chôn lấp. Những trường hợp vứt lợn chết ra môi trường sẽ bị xử lý. Cái khó là phải bắt được quả tang và xác định địa điểm vứt lợn chết ở đâu mới xử lý được. Điều này đòi hỏi ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh phải được nâng cao. Nếu không thì dịch bệnh sẽ rất dễ bùng phát trở lại, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. 
Năm 2020 toàn tỉnh đã tiêu hủy 7.688 con lợn, với trọng lượng 419.988 kg. Những tháng đầu năm 2021 đã tiêu hủy 1.031 con, tổng trọng lượng là 55.334 kg.

 

Chăn nuôi nhỏ lẻ nguy cơ tái phát dịch cao

Theo đánh giá của các địa phương, đợt tái phát dịch tả lợn châu Phi lần này chủ yếu xảy ra đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi mà biện pháp phòng dịch và lựa chọn con giống không được thực hiện một cách nghiêm ngặt. 

Tại huyện Thanh Chương, kể từ ngày 1/1 đến ngày 16/3/2021, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 67 hộ, thuộc 26 thôn, bản của 13 xã. Sau khi dịch bệnh tái phát, chính quyền địa phương buộc phải tiêu hủy 265 con lợn, với tổng trọng lượng 17.959 kg. 

Sau khi phát hiện lợn chết, cơ quan chức năng sẽ xuống kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Văn Quân – Chủ tịch UBND xã Thanh Thịnh, một trong những địa phương tái phát dịch với số lượng nhiều cho biết, hiện nay toàn xã đã có 40 hộ có lợn bị nhiễm bệnh với hơn 100 con. Điều khó khăn nhất trong công tác phòng, chống dịch là do người chăn nuôi vẫn chưa có nhận thức đúng về những tác hại của dịch bệnh. Chưa kể do địa bàn rộng có nhiều tuyến đường đi qua, nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh, vì thế có nhiều thương lái lợi dụng giá lợn trên địa bàn rẻ nên đến thu mua đem đi nơi khác tiêu thụ, thậm chí là nhập lợn giống chưa qua kiểm duyệt về bán cho bà con chăn nuôi.  

Khi phát hiện cơ sở chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, ngoài việc phải tiêu hủy thì cần phải tiến hành phun tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại để tránh lây lan dịch ra diện rộng. Ảnh: PV

Không riêng gì huyện Thanh Chương, ở huyện Diễn Châu, đến ngày 19/3, đã có 11 xã phát hiện ra dịch tả lợn châu Phi tái phát, bao gồm: Minh Châu, Diễn Phú, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Nguyên, Diễn Cát, Diễn Tân, Diễn Đồng, Diễn Thái, Diễn Lâm, Diễn Lợi, hiện nay cũng đã phải tiêu hủy 158 con. 

Ông Nguyễn Trọng Bốn – Giám đốc Trung tâm DVNN Diễn Châu cho rằng: Do người dân thường nhập con giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường về nuôi nên rất dễ lây lan bệnh. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc - xin phòng ngừa, nhưng nếu con giống khi mua về được người dân cho tiêm phòng các bệnh dịch truyền thống, sẽ góp phần tạo miễn dịch cho con gia súc. Đằng này nhiều hộ đã không phòng ngừa, dẫn đến sức đề kháng yếu, khi gặp vi rút tả lợn châu Phi có sức tàn phá mạnh đã không đủ sức chống chọi. 

Người dân cần phải rắc vôi bột và tiến hành tiêu độc, khử trùng kỹ càng trước khi tái nuôi đàn lợn mới. Ảnh: PV

Đối với việc tiêu hủy lợn bị dịch, ông Bốn cho rằng, hiện nay đang áp dụng hình thức là con nào bị bệnh thì tiêu hủy con đó chứ không tiêu hủy toàn đàn như trước đây.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Sau tết Nguyên đán, người dân tái nuôi đàn lợn nhưng các biện pháp tiêu độc khử trùng chưa được quan tâm đúng mức. Chưa kể vào thời điểm này, thời tiết chuyển mùa, bệnh lại lây lan qua rất nhiều con đường như thức ăn, nước uống, vận chuyển, giết mổ... Do đó nếu không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt từ khâu chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, thậm chí là tiêu hủy lợn chết, lợn bị dịch thì có thể sẽ khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng.