(Baonghean.vn) - Xuất ngũ trở về, bản thân bị nhiễm chất độc da cam, đau đớn hơn khi 2 trong số4 người con cũng bị di chứng bởi chất độc này, nhưngngười cựu chiến binhPhạm Bá Cảnh đã vượt qua những nỗi đau ấy bằng ý chí, nghịlực để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Nỗi đau mang tên dioxin

Tháng 7, cũng là mùa mưa nắng thất thường khiến những cơn đau lại hành hạ người cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh (xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên).

Bên kia căn phòng, chị Phan Thị Thúy, con gái thứ hai của ông đang nằm quay quoắt trên chiếc giường nan cũ. Nếu bình thường như bao người con gái khác, có lẽ Thúy đã là vợ, là mẹ, là người giữ lửa của một mái ấm gia đình. Thế mà đã 38 tuổi nhưng đứa con gái của đôi vợ chồng cựu chiến binh ấy chỉ như đứa trẻ con, thậm chí những sinh hoạt hằng ngày của bản thân cũng không thể tự mình thực hiện.

Nén tiếng thở dài, bà Nguyễn Thị Vân, mẹ đẻ của chị Thúy ngậm ngùi: “Sinh nó ra thiếu ngày thiếu tháng nên từ nhỏ hai vợ chồng đã rất vất vả để chăm sóc. Rồi trời thương, con cũng cao lớn, phổng phao theo từng ngày. 

Nhưng rồi lên năm 12 tuổi, em nó dần mất giọng nói, đôi chân cũng dần teo tóp và không thể đi lại được nữa. Từ đó, con bé phải nằm liệt giường hoặc cố gắng lắm cũng chỉ đi lại được vài bước trong phòng mà thôi.

Lúc ấy, vợ chồng chỉ nghĩ rằng, đó là kết quả của quá trình thai nghén đói kém, của những ngày chạy gạo mưu sinh nên đưa con đi khắp bệnh viện trong, ngoài tỉnh để mong con được khỏe lại. Nhưng kết quả chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sỹ”.

images1961889_img_4443.jpgÔng Phạm Bá Cảnh đang chăm sóc cho người con gái bị di chứng chất độc màu da cam. Ảnh: Thanh Quỳnh

Hướng lên bàn thờ, bà chỉ về tấm di ảnh chụp một chàng trai còn trẻ tuổi, ánh mắt nhanh nhẹn và khôi ngô nhưng đã sớm lìa xa dương thế. Đó chính là người con trai thứ 3 của vợ chồng bà đã mất cách đây hơn chục năm trời.

“Năm 1982, tui sinh thằng Phương. Thấy con trai sinh ra khỏe mạnh vợ chồng đặt hết hy vọng vào con. Nhưng rồi  đến năm 13 tuổi, thằng Phương lại tiếp tục mắc những “chứng bệnh lạ” như chị nó khiến sức khỏe ngày càng  giảm sút.

Thương con, vợ chồng tui lại chạy chữa khắp nơi. Bao nhiêu tài sản, vốn liếng chắt góp được từ mảnh vườn và xưởng gỗ nhỏ của gia đình đều bán sạch. Tiền đã hết nhưng bệnh của con ngày càng nặng. Cho đến năm 19 tuổi thì thằng Phương mất.

Hai vợ chồng  lúc đó như rơi vào tuyệt vọng. Cứ nghĩ do kiếp trước làm gì nên tội nên con cái sau này phải gánh. Cho đến những năm 2000, qua các phương tiện thông tin đại chúng và các chương trình xác định thương tật do tỉnh tổ chức, chúng tôi mới hiểu ra nguyên cớ của những căn bệnh đã hành hạ hai đứa con của mình đó là di chứng của chất độc da cam/dioxin”.

Nhớ lại, ông Cảnh bùi ngùi: “Tui nhập ngũ năm 1972 tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Những chiến trường Tràng Bom, Xuân Lộc, Long Khánh... thời điểm ấy vô cùng ác liệt. Quân địch không chỉ dội bom mà còn phun từng đợt “mưa” hóa chất khiến rừng cây trụi hết lá, cả những cây cổ thụ hàng chục năm trời cũng lụi dần. Thậm chí, cỏ dại cũng không thể sống...

Ông Phạm Bá Cảnh đang làm việc tại xưởng cưa của gia đình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong những năm tháng ác liệt đó bộ đội ta vẫn bám rừng chiến đấu bởi khát vọng duy nhất của chúng tôi là sống để chờ ngày tổng tiến công miền Nam, thống nhất đất nước. Vậy nên, hàng nghìn con người vẫn hành quân qua những đoạn rừng chết chóc ấy, uống nước từ những con suối ngả màu vì hóa chất mà không biết rằng mình đã mang trong người chất độc chết người mang tên “chất độc da cam”.

Giờ đây, khi quay trở lại với cuộc sống bình dị, bỏ sau lưng bao khốc liệt của chiến tranh ông vẫn mang nhiều căn bệnh biến chứng đang ngày càng ăn mòn cơ thể. Nỗi đau vì bệnh tật và vì những đứa con bất hạnh không được sống một cuộc đời đúng nghĩa luôn khiến ông nhói lòng. Nhưng sâu thẳm trong ánh mắt người cựu chiến binh năm ấy, việc được sống, được chiến đấu cho tự do của dân tộc luôn là lý tưởng đẹp nhất của cuộc đời. Dẫu rằng, cái giá phải trả là quá đắt.

Nhưng những vết thương lòng ấy không thể khiến người lính cụ Hồ năm nào gục ngã, ngược lại, chính niềm tin và nghị lực giúp ông vượt lên số phận, chiến thắng nghịch cảnh.

Chiến thắng nghịch cảnh

Trong xưởng gỗ rộng gần 5 gian khang trang và được trang bị nhiều máy móc, dụng cụ, ông Phạm Bá Cảnh bắt tay vào hướng dẫn cho 3 nhân công của mình, họ chính là con em của những cựu chiến binh trong vùng được ông tạo việc làm hơn 6 năm nay.  

Vốn là nghề truyền thống của gia đình, năm 1976, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông Phạm Bá Cảnh đã dựng tạm một căn lán để sửa chữa những đồ gỗ bị hư hỏng của bà con trong xóm. Không có tiền để mua nguyên vật liệu, ông tận dụng gỗ từ những cây mít trong vườn để đóng những chiếc bàn, chiếc tủ đầu tiên. Thấy sản phẩm của ông làm ra vừa đẹp, vừa chắc, bà con gần xa ai nấy đều ưa chuộng.

Chắt góp từ những đồng tiền lãi đầu tiên ấy, ông đã mạnh dạn mua thêm gỗ, làm thêm nhiều sản phẩm để tiêu thụ. Sau hàng chục năm phấn đấu không ngừng nghỉ, chiếc lán nhỏ ngày nào nay đã trở thành một xưởng gỗ to đẹp nhất vùng. Mỗi tháng có hàng chục sản phẩm được tiêu thụ trong ngoài tỉnh.Tiền lương trả cho các nhân công trong xưởng cũng vì thế mà tăng lên trên 4 triệu đồng mỗi người/tháng.

Vợ chồng ông Phạm Bá Cảnh bên hệ thống chuồng trại chăn nuôi của mình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cùng với đó, vợ chồng ông còn mở rộng chăn nuôi. Ông làm mộc, bà làm nông. Ngoài 1 mẫu ruộng gia đình còn chăn nuôi trên 10 con trâu, bò mỗi lứa. Bằng tình yêu lao động và sự phấn đấu không mỏi mệt, ông bà đã trở thành điển hình kinh tế của huyện. Mỗi năm thu nhập trên dưới hàng trăm triệu đồng.

Càng vui hơn, khi tuổi đã về chiều, ông bà đã có điểm tựa vững chắc cho mình khi người con trai thứ 4, cũng là người con trai duy nhất của gia đình đã may mắn hoàn toàn khỏe mạnh. Năm nay 32 tuổi, anh  đã là một trong những thợ chính lành nghề đảm đương trong xưởng gỗ của gia đình.

Ông Nguyễn Như Hồng - Chủ tịch Hội CCB xã Hưng Yên Bắc không giấu nổi niềm xúc động chia sẻ: Sau ngày hòa bình được lập lại và đất nước được giải phóng, thống nhất, ai cũng đều mong muốn nhất là có được một cuộc sống yên bình bên gia đình, người thân, để bù đắp lại những năm tháng chiến đấu gian nan, vất vả. Nhưng đối với gia đình ông Phạm Bá Cảnh, hạnh phúc không mỉm cười trọn vẹn khi họ phải chiến đấu dai dẳng với vấn đề sức khỏe của bản thân và đau lòng hơn khi trở thành nỗi buồn, tai họa đối với bệnh tật và thậm chí là cái chết của con cái.

Tuy nhiên, bao sóng gió không làm ông nản chí, cả gia đình đều siêng năng làm việc và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Gia đình ông chính là tấm gương cho nhiều người cùng cảnh ngộ./.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN