(Baonghean) - Giá xăng dầu tăng cao, giá các mặt hàng phục vụ cho nghề biển cũng tăng lên, khiến chi phí mỗi chuyến ra khơi của bà con ngư dân đội lên gấp nhiều lần. Khắc phục những khó khăn đó, bà con ngư dân xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc vẫn tiếp tục bám biển vươn khơi...
Anh Nguyễn Quang Toan vừa là thuyền trưởng cũng là chủ tàu cá NA900040TS. Trước đây, tàu của anh chủ yếu đánh bắt vùng lộng và mỗi chuyến biển chỉ kéo dài khoảng 2-3 ngày. Sản phẩm đánh bắt là các loại cá trỏng, cá đốm, cá trích. Mỗi chuyến ra khơi tổng chi phí khoảng 30 triệu đồng, trong đó tiền mua xăng dầu khoảng 20 triệu đồng. Trong mấy tháng vừa qua, giá xăng dầu liên tục tăng nên chi phí mỗi chuyến ra khơi tăng thêm hàng chục triệu đồng. Các mặt hàng ngư lưới cụ, đá lạnh, lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho việc ra khơi cũng theo đà tăng giá. Để giảm bớt chi phí sản xuất, anh Toan cùng các ngư dân trên tàu bàn bạc quyết định vươn khơi xa, mở rộng ngư trường, kéo dài thêm lịch trình. Anh bỏ ra trên 10 triệu đồng đầu tư máy dò cá để đánh bắt hiệu quả hơn. Tàu của anh còn liên kết với các tàu bạn cùng xã để chia sẻ vùng khai thác, khi ở trên biển thì hỗ trợ nhau về đá lạnh, xăng dầu, thực phẩm, nước ngọt... Chia sẻ với chúng tôi, anh Toan chủ tàu cho biết: Do chi phí mỗi chuyến đi biển tăng cao nên hiện tại ở xã Nghi Xuân chỉ còn 3 tàu đánh bắt xa bờ; mỗi lúc ra khơi anh em đều giữ liên lạc với nhau qua hệ thống Icom để đề phòng có những sự cố bất trắc xẩy ra trên biển. Bây giờ, mỗi chuyến biển cũng phải mất 6-7 ngày, thậm chí 10 ngày, số lượng cá đánh được cũng không nhiều, đại đa số là cá nục, cá mu, cá ngừ thì ít lắm, có chuyến đi về có lãi có chuyến hoà vốn, thậm chí có chuyến lỗ cả tiền dầu, đá lạnh.
Ngư dân trên tàu cá NA 90040 TS treo cờ chuẩn bị ra khơi
Hiện nay, tàu của anh Toan còn có 12 ngư dân làm việc trên tàu. Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, anh Toan cùng các ngư dân đã có 7 chuyến đi biển đánh bắt hải sản ở các ngư trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngư dân thì trong những chuyến ra khơi gần đây hiệu quả đánh bắt chưa cao, cá đánh bắt được nhỏ nên không được giá, mỗi chuyến đi biển 7-8 ngày về, sau khi trừ các chi phí dầu, đá,… mỗi lao động chỉ được 5 – 6 trăm ngàn đồng. Anh Ngô Xuân Hải hoa tiêu của tàu cá NA90040 có thâm niên trên 25 năm đi biển, cho biết: “Chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Giá cả xăng dầu leo thang như hiện nay đã gây ra không ít khó khăn... Những tàu công suất lớn họ đã tìm cách liên kết, hỗ trợ nhau trên biển như trao đổi hàng hóa, đá lạnh, ngư lưới cụ, chia nhau vùng đánh bắt, thông tin cho nhau về luồng cá… Những tàu công suất nhỏ không vươn khơi xa được thì thu gom sản phẩm của các tàu khác đem về bến cá tiêu thụ, sau đó mang các nhu yếu phẩm ra tiếp tế để các tàu lớn có thêm thời gian bám biển dài ngày. Từ đó giảm dần chi phí xăng dầu đi lại, đồng thời có thể đánh bắt thêm được nhiều tôm cá hơn”.
Bên cạnh liên kết với nhau trong khai thác hải sản, các ngư dân ở Nghi Xuân còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua các hoạt động đánh bắt trên biển. Mỗi khi phát hiện sự xâm nhập của tàu cá Trung Quốc, các tàu đều thông qua hệ thống thông tin để thông báo cho nhau biết và thông báo cho lực lượng chức năng có biện pháp xử lý, góp phần đảm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.