(Baonghean) - Việc thay đổi thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (từ Sở Tư pháp về cho UBND các huyện, thành phố) được coi là cuộc “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Sau 2 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ.

Rút ngắn quy trình, thủ tục

Trước đây, mỗi khi có nhu cầu thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, người dân các huyện, nhất là ở địa bàn miền núi phải tới Sở Tư pháp tỉnh để thực hiện, vừa đi lại xa xôi, vất vả, tốn kém kinh phí, vừa mất thời gian chờ đợi.

Từ ngày 1/1/2016, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài được chuyển giao cho UBND cấp huyện, quy trình giải quyết đã được rút gọn, đơn giản hoá, nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, nhất là với thủ tục ghi chú ly hôn.

Nếu trước đây cán bộ địa phương phải gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp, thì nay chỉ cần tra cứu tại website của Bộ Tư pháp là đảm bảo giải quyết hồ sơ. Nhờ đó, thời gian đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã được rút ngắn, từ 25 ngày làm việc xuống còn 15 ngày.

1512989310981.jpgCán bộ tư pháp xã Nghi Khánh (Nghi Lộc) làm thủ tục đăng ký hộ tịch cho người dân. Ảnh: Gia Huy


Theo ông Cao Anh Hùng - Trưởng phòng Tư pháp thị xã Cửa Lò, việc phân cấp cho UBND cấp huyện, thành thị giải quyết đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ tăng tính chính xác và thuận lợi khi xác minh thông tin công dân.

Chẳng hạn trước đây, Sở Tư pháp muốn xác minh các thông tin về công dân thường phải gửi văn bản qua đường bưu chính đến phòng Tư pháp các huyện, thị để xác minh và chờ đợi kết quả, dẫn đến thời gian giải quyết dài ngày, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Còn hiện tại, khi các thông tin về công dân chưa rõ, UBND cấp huyện,thị có thể tiến hành xác minh trực tiếp tại địa phương. Trong 2 năm 2016 -2017, Phòng Tư pháp thị xã Cửa Lò đã làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 32 trường hợp trong đó có 6 trường hợp ghi chú kết hôn.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, trong năm 2017, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 194 trường hợp, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 61 trường hợp

Vẫn còn khó khăn

Việc giao thẩm quyền quản lý, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện là một bước tiến dài của cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi có nhu cầu. Tuy nhiên, do mới áp dụng nên trong quá trình thực hiện, cán bộ tư pháp cơ sở cũng gặp không ít khó khăn.

Chẳng hạn như việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thường phức tạp bởi liên quan tới nhiều nước với nhiều biểu mẫu, quy định khác nhau, có nơi thì mẫu là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nơi mẫu là giấy xác nhận tình trạng độc thân... khiến cán bộ cơ sở gặp ít nhiều lúng túng.

Theo bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng phòng Tư pháp (TP. Vinh): “Mặc dù Bộ Tư pháp đã ban hành công văn hướng dẫn các loại giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng cũng chỉ có biểu mẫu phô tô của một số nước, trong đó có những nước chỉ ghi tiêu đề của giấy chứ cơ quan đại diện không cung cấp đầy đủ biểu mẫu gây khó khăn cho cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện”.

Một phiên tòa xét xử ly hôn và tranh chấp nuôi con giữa chồng Tây, vợ Việt. Ảnh: Hoàng Lam

Mặt khác, việc bỏ thủ tục phỏng vấn trong đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, dù tạo thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký kết hôn nhưng cũng gia tăng gánh nặng và trách nhiệm cho cán bộ tư pháp trong khâu xác nhận, thẩm định hồ sơ, đặc biệt là khâu xác minh mục đích hôn nhân.

Vì trên thực tế, không ít người kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế hoặc vì nhiều lý do khác mà không tìm hiểu kỹ kéo theo nhiều rủi ro, hệ lụy khác. Trong đó, vướng mắc lớn nhất về pháp lý “bịt lối” làm lại cuộc đời của các cô dâu Việt Nam là nhiều người trốn về hoặc bị bỏ rơi không lấy được bản án ly hôn tại nước ngoài hoặc chưa đưa đơn ly hôn ra tòa án nước ngoài nên không thể kết hôn lại tại Việt Nam.

Do vậy, khi họ lập gia đình mới, con cái sinh ra trong giấy khai sinh chỉ có thể ghi họ tên mẹ, không thể ghi tên cha. Nhiều trường hợp phải tiến hành xét nghiệm ADN để có giấy xác nhận cha ruột...

“Như tại thị xã Cửa Lò, qua rà soát có 16-17 trường hợp kết hôn với người nước ngoài về nước sinh sống không làm thủ tục ly hôn nên không thể thực hiện một số nội dung liên quan đến đăng ký hộ tịch. Hiện chúng tôi đã làm văn bản gửi Sở Tư pháp xin ý kiến của Bộ Tư pháp để giải quyết từng trường hợp cụ thể”, ông Cao Anh Hùng - Trưởng phòng Tư pháp thị xã Cửa Lò cho hay.

Một khó khăn nữa theo bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng phòng Tư pháp TP. Vinh đó là việc xác minh bên thứ 3 trong kết hôn có yếu tố nước ngoài. Bởi thực tế, việc gửi công văn ủy thác yêu cầu xác minh hiệu quả không cao, có khi vài tháng mới trả lời, có khi không trả lời cũng không biết hỏi ai. Vì vậy đòi hỏi cán bộ tư pháp phải phát huy năng lực, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm của mình trong thẩm định hồ sơ.

“Có trường hợp qua kiểm tra hồ sơ bên thứ 3, chúng tôi phát hiện người đàn ông ngoại quốc đã kết hôn 7 lần, 7 tháng kết hôn một lần. Chúng tôi đã trao đổi với công dân nữ đang có ý định kết hôn với người nước ngoài khuyên chị tìm hiểu kỹ. Phía người nữ tỏ ra bất ngờ vì không biết thông tin này...”, bà Nga trao đổi.

Từ thực tế hai năm triển khai thực hiện chuyển thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (từ Sở Tư pháp về cho UBND các huyện, thành phố), nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần định kỳ tập huấn cho cán bộ làm công tác hộ tịch tại các phòng Tư pháp, cán bộ tư vấn tại các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết về văn hoá, pháp luật của các nước trên thế giới cho người dân giúp cho việc đánh giá, nhận xét về sự hiểu biết của các bên được đầy đủ và toàn diện hơn, bảo đảm việc thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Gia Huy

TIN LIÊN QUAN