Bảo tồn đa dạng sinh học
Nằm ở sườn phía Đông của dãy Trường Sơn và trải dài trên 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An, Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát được thành lập vào năm 2002, có diện tích tự nhiên 194.000 ha, trong đó vùng bảo tồn 94.000 ha và vùng đệm 100.000 ha. Do địa hình đa dạng và phức tạp, VQG Pù Mát có nhiều động, thực vật hoang dã thuộc diện cần bảo tồn đa dạng sinh học.
Bảo vệ rừng vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh: V.T Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: Đối với công tác cứu hộ động vật hoang dã, từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận từ các cơ quan chức năng, hộ gia đình để cứu hộ 70 cá thể động vật hoang dã gồm các loài: Tê tê Java, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ, rắn hổ mang, vượn đen má trắng, mèo rừng, cáo và các loài rùa… chuyển giao cho Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife- SVW), Trung tâm cứu hộ rùa Cúc Phương 33 cá thể động vật.
Hiện tại đang tổ chức cứu hộ 16 cá thể động vật, gồm: 2 cá thể gấu ngựa, 3 cá thể vượn, 6 cá thể khỉ, 1 cá thể cáo đỏ, 04 cá thể tê tê. Phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife- SVW) và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thực hiện 2 đợt tái thả với số lượng động vật 195 cá thể.
Vườn Quốc gia Pù Mát còn triển khai thực hiện đúng tiến độ chương trình nghiên cứu khoa học năm 2019 với đề tài “Điều tra, đánh giá thành phần loài, hiện trạng xâm lấn và đề xuất các giải pháp hạn chế sự tác động của sinh vật ngoại lai đến Vườn Quốc gia Pù Mát”. Đơn vị chỉ đạo hợp tác với Save Vietnam’s Wildlife- SVW trong công tác cứu hộ động vật, nghiên cứu khoa học và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Đơn vị cũng phối hợp hiệu quả với nhiều tổ chức khác trong điều tra nghiên cứu về lưỡng cư, côn trùng, bò sát, đặt máy bẫy ảnh điều tra động vật. Kết quả đã chụp được nhiều loài động vật có giá trị bảo tồn cao như tê tê, gấu, mang, cầy vằn, sơn dương.
Nhiều cá thể quý hiếm ở Vườn Quốc gia Pù Mát. Đơn vị cũng tăng cường quan hệ hợp tác với tổ chức FFI trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã. Hợp tác với Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam và vườn thú Úc tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực trong việc chăm sóc cứu hộ gấu, làm giàu thức ăn cho động vật tại Trung tâm cứu hộ. Hợp tác với Chương trình bảo tồn rùa châu Á (Asian Tutle program- ATP) thực hiện dự án “Đánh giá chiến lược tái thả cho các cá thể rùa đầu to nguy cấp được tịch thu tại Việt Nam” ...
Ngoài ra, Vườn Quốc gia Pù Mát cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp thực hiện một số hoạt động điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học như Viện nghiên cứu động, thực vật hoang dã (IZW), Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, chuyên gia Hiệp hội bảo tồn Taronga Zoo, Úc.
Ngoài ra, Vườn Quốc gia Pù Mát còn thực hiện tốt công tác bảo quản mẫu tiêu bản từ các chương trình nghiên cứu, sưu tầm trong rừng từ khi thành lập cho đến nay. Công tác theo dõi, quản lý hồ sơ các chương trình nghiên cứu được chỉ đạo lưu trữ cẩn thận, phục vụ tốt cho việc tra cứu và khai thác cho các chương trình nghiên cứu, giáo dục bảo tồn tại Vườn Quốc gia Pù Mát.
Tăng cường bảo vệ rừng
Trong năm 2019, Vườn Quốc gia Pù Mát đã thực hiện khá hiệu quả công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Thu hút nhiều người dân nhận khoán bảo vệ rừng tham gia tuần tra rừng cùng với lực lượng kiểm lâm. Thường xuyên tổ chức tuần tra trong toàn lâm phần được giao quản lý, qua đó đã phá hủy 209 lán tạm bợ trong rừng; tháo dỡ 4.980 bẫy; lập biên bản đuổi 183 người ra khỏi rừng do vào rừng trái phép. Tổ chức khoán bảo vệ rừng cho gần 1.100 hộ gia đình tại 7 xã trên 3 huyện với tổng diện tích là 23.538 ha.
Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã – Vườn quốc gia Pù Mát tiến hành thả động vật do các Hạt Kiểm lâm trong tỉnh và các Trạm Quản lý bảo vệ rừng - Hạt Kiểm lâm Pù Mát bàn giao. Đơn vị đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và đề xuất khởi tố hình sự các vụ án liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Số vụ xử lý vi phạm hành chính có chủ tăng cao nhất từ trước tới nay. Trong năm 2019, xử lý phạt hành chính và phát mại lâm sản 288.782.400 đồng.
Về khó khó khăn của Vườn Quốc gia Pù Mát hiện còn nhiều, như trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát đang có 2 bản tộc người Đan Lai sinh sống với 126 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Việc toàn bộ diện tích trước đây của thôn bản đều được quy hoạch và giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát là chưa phù hợp. Qua đó nhu cầu chính đáng của người dân về sử dụng vật liệu làm nhà, vật liệu chất đốt… phục vụ cho cuộc sống lại vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng. Điều này là bất hợp lý và làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của kiểm lâm viên nói riêng, Vườn Quốc gia Pù Mát nói chung.
Bên cạnh đó, hiện nay Vườn Quốc gia Pù Mát được giao quản lý 94,715 ha rừng nhưng lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ rừng còn thiếu rất nhiều so với quy định. Mỗi kiểm lâm viên của VQG Pù Mát hiện nay quản lý bình quân gần 1.300 ha rừng nên việc tuần tra rừng gặp rất nhiều khó khăn...